Áp lực số trẻ sinh năm "heo vàng" (2007) khiến nhiều quận buộc phải giao tăng chỉ tiêu cho các trường, dù sĩ số lên đến 50 - 60 học sinh/lớp. Một số quận vẫn giao chỉ tiêu với số lượng hạn chế dù số trẻ có hộ khẩu trên địa bàn cao hơn.
Đông lại càng đông
Quận Cầu Giấy là một trong những quận có tốc độ phát triển dân số mạnh nhất Thủ đô. Từ nhiều năm nay, hầu hết các trường tiểu học và THCS trên địa bàn quận đều lâm vào tình trạng quá tải số học sinh dù chính quyền địa phương khá tích cực trong việc đầu tư xây thêm trường mới.
Vì áp lực tăng dân số năm "heo vàng", số học sinh vào lớp 1 của toàn thành phố tăng khoảng 11.000 em. |
Mười năm qua quận đã đầu tư xây mới khoảng 20 trường với kinh phí hơn 700 tỷ đồng nhưng hiện tại tất cả các trường tiểu học của quận đều có sĩ số bình quân ở mức 50 học sinh/lớp.
Theo khảo sát của phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, số trẻ đến tuổi vào lớp một năm nay (sinh năm 2007) có hộ khẩu trên địa bàn quận nhiều hơn số trẻ vào lớp một năm ngoái là 500 em nên khiến việc sắp xếp chỗ học trong các trường tiểu học càng thêm căng thẳng.
Theo kế hoạch chỉ tiêu của UBND quận giao cho 10 trường tiểu học của quận thì chỉ duy nhất một đơn vị có sĩ số học sinh khối 1 năm học tới khoảng 50 - 51 học sinh/lớp là Trường Tiểu học Dịch Vọng A. Một đơn vị nữa, Trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc 54 học sinh/lớp. Tám trường còn lại nếu nhận đủ số trẻ sinh năm 2007 có hộ khẩu trên địa bàn đều phải chịu cảnh 55 học sinh/lớp.
Không chỉ quận Cầu Giấy mới phải chịu áp lực tuyển sinh đầu cấp và đặc biệt là cấp tiểu học. Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2013 - 2014 dự kiến số lượng trẻ vào học lớp 1 trên toàn thành phố tăng 11.000 em so với năm ngoái, số tăng chủ yếu tập trung khu vực ven đô và nội thành. Tăng như quận Cầu Giấy là còn ít. Quận Hai Bà Trưng tăng hơn 816 em. Quận Đống Đa tăng hơn 900 em...
Có đủ chỗ học?
Theo một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, những căng thẳng trong tuyển sinh năm nay do hệ luỵ từ sự đột biến về dân số trong năm "heo vàng" 2007. Dẫu vậy, quan điểm của lãnh đạo thành phố là không để học sinh thiếu chỗ học.
Đặc biệt trong cách làm tuyển sinh, các quận/huyện phải lên kế hoạch phân bổ chỉ tiêu cụ thể, phân tuyến rõ ràng và công khai các thông tin này, trong quá trình tuyển sinh không được gây căng thẳng, bức xúc cho phụ huynh học sinh. Với quan điểm này, nhiều quận đã bố trí chỉ tiêu căn cứ vào số lượng trẻ có hộ khẩu trên địa bàn thông qua số liệu khảo sát của khu dân cư, dù điều này khiến sĩ số học sinh/lớp học sẽ chịu mức cao.
Tuy nhiên, trên thực tế một số nơi vẫn chỉ phân bổ chỉ tiêu theo thực tế số lớp học mà các trường có thể bố trí với sĩ số do thành phố quy định từ nhiều năm nay (mức 40 - 45 học sinh/lớp).
Chẳng hạn ở quận Hai Bà Trưng, một loạt trường tiểu học đều được bố trí chỉ tiêu thấp hơn so với số lượng trẻ trên địa bàn. Ví dụ địa bàn tuyển sinh Trường Tiểu học Bạch Mai có 265 em hộ khẩu KT1 nhưng trường chỉ được giao tuyển sinh 5 lớp với 225 em.
Hoặc Trường Tiểu học Tây Sơn là trường có địa bàn tuyển sinh gồm hai phường Nguyễn Du và Lê Đại Hành, số trẻ trong độ tuổi có hộ khẩu KT1 là 270, KT2 là 183 nhưng chỉ tiêu chỉ có bảy lớp 1 với 315 em… Theo lãnh đạo một số phòng GD&ĐT, khi tuyển sinh các trường sẽ ưu tiên diện học sinh có hộ khẩu KT1, sau đó mới xét đến KT2.
Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, việc tuyển sinh đầu cấp sẽ bắt đầu từ 1.7 đến 15.7. Những trường đến 15.7 nếu chưa tuyển đủ chỉ tiêu được giao thì báo cáo Phòng GD&ĐT để được xem xét tuyển bổ sung cho đủ học sinh trong các ngày từ 18.7 đến 20.7.