Chiều 31.3, Ủy ban Tư pháp bắt đầu phiên họp thẩm tra dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi).
Theo Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, dự thảo đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với bảy tội danh gồm: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh.
Ông Tụng cũng cho biết có một số ý kiến đề nghị bỏ thêm án tử hình đối với ba tội tham ô tài sản, nhận hối lộ và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ cho rằng chúng ta đang nỗ lực đấu tranh không khoan nhượng tệ nạn tham nhũng và nhiều biện pháp đã được ban hành nhưng chưa có hiệu quả. Trong bối cảnh đó, việc đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và nhận hối lộ - hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất - là chưa phù hợp. Điều này sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật nương tay với các quan chức tham nhũng và không được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Nếu cho nộp tiền để thoát án tử thì những quan chức phạm tội tham ô như tử tù Dương Chí Dũng sẽ thoát tội chết. Ảnh minh họa: Đ.Minh
Chính phủ cũng cho rằng việc sản xuất, buôn bán hàng giả đang phổ biến và tạo nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng cho tính mạng, sức khỏe của nhiều người. Đây là lý do cần tiếp tục duy trì hình phạt tử hình đối với tội phạm này.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng, qua nghiên cứu bước đầu, nhóm nghiên cứu của ủy ban có tới ba loại ý kiến khác nhau. Ý kiến thứ nhất đồng tình với quy định của dự thảo. Ý kiến khác đề nghị bỏ tử hình đối với 10 tội danh. Luồng ý kiến thứ ba đề xuất cân nhắc bỏ hình phạt tử hình đối với nhóm tội có tính chất vụ lợi nhưng đề nghị không nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; tội chống loài người; tội phạm chiến tranh với lý do đây là loại tội nghiêm trọng nhất trong các tội đặc biệt nghiêm trọng…
Một điểm mới đáng chú ý khác, dự thảo bổ sung quy định về việc không thi hành án tử hình và chuyển hình phạt tử hình xuống tù chung thân trong trường hợp sau khi bị kết án tử hình, người bị kết án đã chủ động khắc phục hậu quả của tội phạm do mình gây ra, tự nguyện giao nộp cho Nhà nước ít nhất 1/2 số tiền, tài sản do phạm tội mà có, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng việc quy định không thi hành án tử hình với những trường hợp nêu trên cần cân nhắc kỹ, theo đó cần phân loại, loại trừ các đối tượng cụ thể, tránh trường hợp người phạm tội ma túy, giết người, xâm phạm an ninh quốc gia có thể dùng tiền để thoát án tử hình.
Và còn điều này nữa chưa thấy đại biểu nào nhắc đến: Nếu cho nộp tiền khắc phục hậu quả để thoát tội chết thì quan chức phạm tội về tham nhũng (tham ô, nhận hối lộ) rất dễ được thoát án tử hình. Bởi quan tham là người luôn có điều kiện về tiền bạc để “khắc phục hậu quả”. Và như vậy mục đích duy trì án tử hình cho hai tội danh này để phòng, chống tham nhũng vô hình trung không còn nguyên hiệu quả như ý định ban đầu như Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã đề cập trên đây.