Mới đây, Theresa Wlokka, sinh viên trường Đại học Quảng cáo Miami, Đức đã tung ra một loạt 3 poster cho thấy định kiến thường gặp của xã hội đối với phụ nữ thông qua trang phục, phụ kiện của họ.
Thước đo phẩm chất phụ nữ qua trang phục là vấn đề mà cô sinh viên đại học Đức đề cập trong poster.
Hình ảnh trong 3 chiếc poster này là một chiếc chân váy, cổ áo và đôi giày cao gót, cùng những thước đo mà xã hội thường áp đặt lên phụ nữ. 3 poster này cho thấy bất kể phụ nữ mặc gì, tư cách của họ đều có thể bị đánh giá qua trang phục.
Cụ thể là nếu một phụ nữ mặc váy càng ngắn hay cổ áo càng sâu, họ càng bị đánh giá là tồi tệ, với những từ ngữ tăng dần về cấp độ như: Trơ trẽn, lẳng lơ… thậm chí là gái làng chơi! Điều tương tự cũng xảy ra đối với độ sâu của cổ áo hay giày cao gót.
Ngược lại, khi cô gái mặc váy quá đầu gối, cổ áo “kín cổng cao tường”, giày bệt hay gót thấp, người ta lại có thể dè bỉu rằng cô quá lỗi mốt hay cổ hủ. Thông điệp mà Theresa muốn mang lại chính là ở slogan phía dưới mỗi poster: “Đừng dùng váy áo để đo giá trị của người phụ nữ.”
Độ sâu của cổ áo...
... và độ cao của giày cao gót cũng tạo thành định kiến với phụ nữ.
Không chỉ ở các quốc gia phương Tây mà chính tại Việt Nam, vấn đề tương tự cũng được đặt ra. Trên thực tế, rất nhiều người Việt đã và đang đánh giá người phụ nữ dựa trên trang phục mà họ mặc. Một cô gái dễ mang mác “gái hư” khi vận một chiếc váy hơi ngắn, nhưng cũng có thể bị chê kém thời trang nếu ăn mặc quá cổ điển.
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Chiếc váy ngắn tới đâu, cổ áo sâu tới đâu và một đôi giày có gót cao thế nào là vừa, đẹp? Là người nổi tiếng, luôn xuất hiện trước công chúng, các mỹ nữ của showbiz Việt thường xuyên phải đối mặt với định kiến tương tự. Chúng tôi đã cho một vài người đẹp Việt xem poster của Theresa Wlokka và lắng nghe ý kiến của họ về vấn đề này!
4 người đẹp Việt bàn về độ ngắn của chiếc váy
Hoa hậu Ngọc Hân: “Thước đo này là áp đặt!”
Thực ra, tôi thấy quy tắc đó có thể đúng trong một số trường hợp nào đó, nhưng với người làm thời trang thì quy tắc đó hoàn toàn không đúng. Tỷ lệ đó còn phụ thuộc vào cổ áo được thiết kế ra sao, cổ Đức khác, cổ thuyền cũng khác... nói chung là phải nhìn vào tổng thể
Giày cao gót cũng vậy, có những đôi thấp mà phù hợp thì vẫn rất thanh lịch chứ không hề lỗi mốt. Có những đôi gót rất cao nhưng đẹp và thời trang, không thể cứ đi đôi giày như vậy mà bảo là gái làng chơi. Cái quan trọng là thiết kế của nó như thế nào. Với chiếc váy qua đầu gối chẳng hạn, ai bảo đó là cổ hủ, lỗi thời. Nó rất thời trang nếu bạn thiết kế tốt.
Tất nhiên, chiếc váy quá ngắn thì khó gây thiện cảm về một cô gái đoan trang. Nhưng theo tôi, điều này cũng chỉ đúng ở một số trường hợp. Trong thế giới thời trang, quy tắc đó hầu như không đúng, thậm chí là khá áp đặt. Còn thông thường, bản thân tôi cho rằng chiếc váy tới ngang đầu gối là vừa, đẹp, không chạm ranh giới phản cảm và gợi cảm, muốn lịch sự nữa thì quá đầu gối.
Hoa hậu Ngọc Hân
Trà Ngọc Hằng: “Phán xét không đoan trang vì mặc váy ngắn thì thật kỳ dị”
Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ đến phát biểu của một vị lãnh đạo ngành văn hoá trên diễn đàn Quốc hội, rằng không thể có quy định váy phải ngắn đến đâu mới không vi phạm thuần phong mỹ tục.
Đúng vậy! Không thể và không nên lấy thước để đo độ ngắn của váy nghệ sỹ hay độ hở của ngực áo, độ cao của giày cao gót, để từ đó suy ra là có vi phạm điều nọ, điều kia hay không. Càng không thể từ đó mà suy ra là đep đẽ hay hở hang, và đặc biệt không thể quy kết phẩm chất của người phụ nữ. Nếu tôi mặc váy ngắn mà phán xét tôi không đoan trang thì thật... kỳ dị và không tôn trọng phụ nữ.
Trang phục là một nghệ thuật, có các tiêu chí thẩm mỹ của nó. Không đạt hoặc đi quá các tiêu chí đó sẽ không còn là đẹp nữa. Công chúng có thể cảm nhận được rất rõ ràng. Hơn nữa trang phục cũng phải phù hợp với nội dung, loại hình nghệ thuật biểu diễn và hoàn cảnh. Không ai đánh giá một cô gái vốn mặc rất nghiêm chỉnh kín đáo nơi công sở mà ra bãi biển diện bikini 2 mảnh gợi cảm là “gái hư” cả.
Trà Ngọc Hằng
Ăn mặc là nghệ thuật, là văn hoá, nên không thể lấy thước đo mà phải căn cứ vào cảm nhận của mình. Nghệ sỹ cần ăn mặc đep, thời trang, phù hợp với nội dung trình diễn hoặc tính chất của sự kiện mình tham dự. Các nhà thiết kế chân chính sẽ cho ra mắt trang phục đảm bảo tính thẩm mỹ cho nghệ sỹ lựa chọn khi xuất hiện trước công chúng.
Bởi vậy với tôi, váy ngắn đến độ nào mà người khác không cảm thấy nhức mắt, không nhếch mép chê tôi kỳ dị; áo hở sâu nhưng người đối diện không chê tôi lả lơi, khêu gợi là đẹp. Váy ngắn hay áo xẻ sâu là để phụ nữ quyến rũ hơn, nên ngắn hay xẻ thì cũng chỉ giới hạn ở chỗ không lộ liễu quá đà, không "bày" cơ thể ra trước mắt người ta mà để lại sự cuốn hút, gợi cảm khiến người ta thấy hai chữ: Hấp dẫn.
Đôi giày cao gót được sinh ra là để tôn vinh sự gợi cảm, bước đi uyển chuyển của người phụ nữ, thế nên cũng như trang phục, vừa phải bao giờ cũng đẹp nhất. Sự vừa phải ấy là để bạn vừa được tôn dáng, chân thẳng hơn, dáng đẹp hơn, đi mềm mại hơn nhưng phải vừa với đôi chân và giữ được sự tự tin, sức khoẻ.
Chung quy lại phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, thẩm mỹ mới là tiêu chí để đánh giá váy ngắn, áo xẻ và giày gót nhọn đẹp hay không đẹp.
Trà Ngọc Hằng cho rằng điều kiện, thẩm mỹ mới là tiêu chí đánh giá một trang phục.
Lan Khuê: “Nói khoét lưng xẻ cổ là lẳng lơ thì thật khập khiễng”
Thời trang và cái đẹp không có chuẩn mực cụ thể nào. Không thể áp đặt rằng mặc váy dài phải đi giày cao gót, mặc quần sooc phải mang giày bệt. Càng khập khiễng hơn khi cho rằng “kín cổng cao tường” là nhàm chán bảo thủ, khoét lưng xẻ cổ là lẳng lơ phóng túng.
Đẹp hay không, phù hợp hay không còn phụ thuộc vào môi trường, hoàn cảnh, vai trò tại nơi mà bạn xuất hiện. Từ đó, mới có thể đánh giá được độ sâu của cổ áo, chiều dài của chiếc váy và chiều cao của đôi giày, xem chúng có giúp bạn tỏa sáng hay khiến bạn trở nên kệch cỡm.
Trước khi học cách ăn mặc đẹp hãy học cách thể hiện mình là một người phụ nữ thông minh. Vì phụ nữ thông minh sẽ biết rõ vị trí và giá trị của bản thân để có sự chọn lựa phù hợp.
Hoa khôi Lan Khuê
Phạm Hương: “Không tự tin với váy quá ngắn”
Theo quan điểm của tôi, độ ngắn của chiếc váy, trang phục hở cổ hay đôi giày cao gót không thể dùng để đánh giá nhân cách, phẩm chất của phụ nữ. Bản thân tôi thấy rằng trang phục chỉ góp một phần tạo nên phong cách hay cá tính của họ. Mỗi người có thể chọn cho mình một phong cách để theo đuổi như: Sexy hay năng động, kín đáo, thùy mị…
Điều đó làm cho họ thấy thoải mái, tự tin trong từng môi trường mà họ hoạt động. Riêng tôi theo đuổi sự cá tính và năng động, nhưng vẫn không làm mất đi nét trẻ trung, quyến rũ và hợp với độ tuổi của mình. Tôi luôn quan niệm rằng trang phục không thể tạo ra sự sexy cho bản thân, mà điều đó được tạo nên bởi ánh mắt, cử chỉ, thần thái của mỗi người.
Á khôi Phạm Hương
Chiếc váy quá ngắn hay trang phục hở cổ quá sâu làm tôi thấy không tự tin và thoải mái khi di chuyển, giao tiếp. Vì vậy, tôi thường chọn váy bút chì, kín đáo nhưng vẫn tôn được phom dáng, khi di chuyển thoải mái và gợi cảm.
Về giày cao gót, chỉ chọn được một đôi đẹp, hợp phong cách thôi chưa đủ, quan trọng nhất là chiều cao của đôi giày và sự thoải mái khi di chuyển. Đó cũng là cách tạo nên sự lôi cuốn trong mọi bước đi. Với riêng tôi, những đôi giày trên sân khấu hay sàn diễn có chiều cao 12 cm, và thường ngày ở mức 8 – 10 cm là phù hợp nhất.