Gần đây, chính phủ Phần Lan - một trong những đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới, đã quyết định thực hiện một cuộc “cách mạng” trong dạy và học khi “xóa sổ” các môn học Toán, Lý, Hóa, Lịch sử... Thay vào đó là phương pháp dạy học theo những chủ đề rộng hơn.
Theo sáng kiến này, những giờ học theo từng môn riêng lẻ như trước đây sẽ không còn tồn tại, thay vào đó, học sinh Phần Lan sẽ được mặc sức thảo luận, khám phá, tìm hiểu về những chủ đề mang tính hiện tượng bao quát hơn.
Cuộc cách mạng trong dạy và học
Trao đổi với phóng viên, GS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, “xóa sổ” các môn Toán, Lý, Hóa… là cuộc cải cách chưa từng có trong lịch sử thế giới.
Theo ông Dong, hệ thống giáo dục mới của Phần Lan thay đổi sẽ khuyến khích hành vi giao tiếp và tương tác trong lớp học của học sinh và giáo viên.
Nhờ phương pháp mới, học sinh thay vì thụ động ngồi nghe và chép bài, có thể được chia thành từng nhóm nhỏ, hợp tác với nhau để thực hiện các dự án, các bài tập từ thực tế.
Theo GS. Phạm Tất Dong, nền giáo dục ở nước ngoài khác Việt Nam. Phần Lan là một trong những đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới. Trong khi tại Việt Nam, nền giáo dục có xuất phát điểm rất thấp. Do đó, Việt Nam sẽ không thể “xóa sổ” các môn học.
“Ở Việt Nam, dạy và học còn lạc hậu lắm! Giáo dục của Việt Nam đi sau Phần Lan gần 1 thế kỷ và còn phải rất xa nữa mới đuổi kịp đất nước có nền giáo dục hàng đầu thế giới”, GS. Phạm Tất Dong nói.
Theo ông, sở dĩ, Phần Lan có một cuộc “cách mạng” trong dạy và học vì họ có cơ sở lý luận chặt chẽ và thực tiễn. Trong khi đó, trường học của Việt Nam chỉ “học vẹt”, học thuộc. Học sinh chỉ cần thuộc lòng sau đó trả lời đúng ý là được. Hơn nữa, giáo dục chỉ quan tâm đến chương trình chứ không cần quan tâm đến dạy học sinh thế nào.
“Đây là điều đau xót của nền giáo dục Việt Nam”, GS Phạm Tất Dong bày tỏ.
Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, đối với các nước trên thế giới, họ học để làm chứ không phải học để vẽ ra những điều không có thực.
Chẳng hạn, nếu học sinh học Toán, ra chợ phải biết ngay đồ dùng trong hộp thế nào, dung tích ra sao, ứng dụng vào cuộc sống thế nào. Trong khi đó, tại Việt Nam dạy quá nhiều lý thuyết, không gắn với đời sống thực.
Giáo dục Việt Nam còn nhiều “dị dạng”
Giáo sư Phạm Toàn, người từng biên soạn sách của trường Thực nghiệm Hà Nội cho rằng, so với các nước trên giới, ít nhất 70 năm nữa Việt Nam mới có nền giáo dục phổ thông tiến kịp các nước.
“Hơn 60 năm qua, giáo dục Việt Nam có rất nhiều cái làm dở chừng rồi lại ngưng hay xóa bỏ. Cả xã hội đều nhìn thấy “dị dạng” của nền giáo dục Việt Nam. Do đó, xã hội có rất nhiều ý kiến về cải cách giáo dục”.
“Chúng tôi không biết mình nên kiến nghị gì, những kiến nghị sẽ có tác dụng gì”, Giáo sư Phạm Toàn bày tỏ.
Nhà giáo Phạm Toàn nói: “Tôi thấy sốt ruột. Tôi không đủ kiên nhẫn chờ những việc làm để cụ thể hóa những tư tưởng tốt đẹp và to tát. Tôi nghĩ: Cốt lõi của giáo dục Việt Nam là ở nội dung học, sau đó là cách học và cách dạy”.
Theo ông, hiện nay không ít người tìm cách cho con em ra nước ngoài học, thậm chí du học từ bậc phổ thông, nếu không du học ở nước ngoài, chí ít cũng du học tại chỗ ở những lớp VIP.
Ông nói thêm: "Những nhà cải cách kinh doanh một nền giáo dục tiếng tăm. Những trường tư mở ra, mỗi trường một khẩu hiệu, chỉ thiếu một khẩu hiệu chung là điều những nhà lãnh đạo giáo dục đang còn khất. Nhiều người có chức sắc mở trường tư kiểu “treo khẩu hiệu” như thế kiếm tiền trên đầu con trẻ nhưng mang danh “khoa học”.
Theo ông, một nền giáo dục mang phẩm chất tự học có thể tổ chức được ngay và hoàn toàn không tốn tiền bởi cơ chế tự học nằm trong “năng lực tâm trí” của người học hoàn toàn không mất tiền mua.