Nhà trưng bày văn hóa Khmer nằm tại đường Nguyễn Chí Thanh, phường 6, TP.Sóc Trăng, hiện có hơn 400 hiện vật phân theo 3 phần nội dung cơ bản: Văn hóa đời sống, văn hóa lễ hội và văn hóa tôn giáo.
Ông Hùng cho biết: “Nhà trưng bày văn hóa Khmer trước kia là nhà hội Smacum được xây dựng năm 1936 và khánh thành năm 1941, có kiến trúc theo phong cách chùa của người Khmer. Nơi đây từng là nơi giảng dạy tiếng Khmer - Việt - Pháp...”.
Đến năm 1986, tỉnh Hậu Giang (cũ) tiếp nhận nhà hội làm nhà truyền thống Khmer. Năm 1992, nhà truyền thống được nâng cấp lên làm Bảo tàng Khmer và sau này sáp nhập với Bảo tàng cách mạng, với tên gọi là Nhà trưng bày văn hóa Khmer, trực thuộc Bảo tàng tỉnh Sóc Trăng. Nhà trưng bày gồm 2 khu: Khu trưng bày hiện vật là nhà hội Smacum và khu văn phòng mới được xây dựng. “Ngoài các hiện vật, nhà trưng bày còn có nhiều mô hình về các hoạt động làng nghề của người Khmer. Việc phối dựng lại một số mô hình làng nghề truyền thống cũng là cách giới thiệu đến bạn bè quốc tế và thế hệ con cháu sau này, giáo dục tinh thần gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống” - ông Hùng chia sẻ.
Chị Trần Võ Cẩm Tú – thuyết trình viên tại nhà trưng bày cho biết: “Một trong những đặc điểm của người Khmer Nam Bộ là tập quán sinh sống thành phum sóc, xen kẽ với người Kinh và người Hoa từ nhiều thế hệ. Chính sự cộng cư đó đã giúp cho việc giao lưu văn hoá, sáng tạo nên những công cụ thiết yếu phục vụ đời sống gia đình và cộng đồng xã hội. Đến nay, Nhà trưng bày văn hóa Khmer Sóc Trăng đã sưu tầm được nhiều hiện vật có giá trị, khoảng 50% số hiện vật là của các chùa và đồng bào Khmer hiến tặng”.
Chị Tú tự hào giới thiệu: “Hàng năm, nơi đây thu hút hàng chục ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan tìm hiểu nét đẹp văn hoá lịch sử, truyền thống yêu nước chống giặc ngoại xâm của người Khmer qua các thời kỳ”.