Dân Việt

Chùa bị phá dỡ ở Hưng Yên không phải là di tích cổ

Mỵ Lương- Bảo Yến 02/04/2015 08:06 GMT+7
Mấy ngày qua, dư luận xôn xao trước việc chùa An Tháp ở Hưng Yên bị người dân tự dỡ để xây mới, vi phạm Luật Di sản. Tuy nhiên theo tìm hiểu của phóng viên NTNN, ngôi chùa này không phải là di tích được xếp hạng và hiện nay đã bị đình chỉ để hoàn thành các thủ tục.

Xuống cấp, hư hại nghiêm trọng...

Khi tìm đường đến với ngôi chùa An Tháp tại xã Vĩnh Khúc (Văn Giang, Hưng Yên) vào ngày 31.3, chúng tôi được tận tình bà Lê Thị Vuông (69 tuổi) chỉ đường đến cửa ngôi chùa đang trong quá trình xây dựng chưa hoàn thiện. “Nếu chùa đang đẹp thì không ai muốn dỡ ra xây lại làm gì để dân làng mất công sức, tốn kém tiền bạc.

Tuy nhiên, có ở đây mới thấu cảnh chùa bị mối mọt đục khoét, ngày mưa gió thì người già ra lễ phải mang theo chậu để hứng nước và quần áo cũ để lau sàn. Đã có lần một cụ bị trơn trượt ngã gãy tay, cụ khác lại bị ngói rơi rách trán. Đặc biệt xót lòng khi thấy kho tượng Phật bị ngói, gỗ rơi làm hư hại, nên dân chúng tôi quyết định xây mới ngôi nhà chung này” – bà Vuông tâm sự với chúng tôi.

img
Ông Nguyễn Văn Thuận (Phó ban kiến thiết chùa An Tháp) lý giải về pho tượng Phật bị gãy 3 tay.  Ảnh: Lương Yến

Trước đây, chùa An Tháp là nơi sinh hoạt tâm linh của dân làng mỗi dịp lễ, tết, hội, rằm. Nhiều năm trở lại đây, việc nạo vét con sông Bắc Hưng Hải khiến chùa An Tháp bị đe dọa sụp nền móng. Vật liệu xây dựng chùa chủ yếu là gỗ xoan, tre, gỗ lim do dân làng tự đóng góp từ trước đó, đến thời điểm này phần lớn bị mối mọt, ngói bị rơi vỡ... Bên cạnh đó việc mở rộng, nâng cao đường đi dẫn đến việc nền chùa bị thấp hơn so với mặt đường khoảng hơn 1m.

Việc trùng tu, tôn tạo di tích này do phần lớn người dân thống nhất tự làm mà chưa tuân theo đầy đủ trình tự quy định chung đã được đề ra. Ông Nguyễn Văn Thuận – Phó ban kiến thiết chùa An Tháp cho hay: “Dù có dư luận cho rằng những người tháo dỡ chùa bán chác gỗ, mọi người trong ban kiến thiết chúng tôi cũng chẳng nhụt chí. Chúng tôi tham gia công việc chung mong muốn sẽ xây dựng được ngôi chùa khang trang, cao ráo để không phải nhìn cảnh người, xe đi ngang mặt Phật mà xót lòng. Bởi chùa có khang trang dân làng mới an định được”.

Trao đổi với phóng viên NTNN vào chiều 31.3 khi xuống làm việc tại chùa An Thái, ông Vũ Văn Duấn- Chánh thanh tra Sở VHTTDL Hưng Yên khẳng định: “Ngôi chùa An Tháp không thuộc di tích được xếp hạng trong hồ sơ của tỉnh quản lý hay của Bộ VHTTDL quản lý. Đây là ngôi chùa bình thường của địa phương, còn thông tin nói chùa cổ 300 năm tuổi là do một số báo tự nêu ra chứ ngành văn hóa và bà con địa phương cũng chưa xác định được. Khi báo chí phản ánh việc người dân tự tháo dỡ chùa là vi phạm Luật Di sản văn hóa, chúng tôi đã yêu cầu đình chỉ thi công từ ngày 27.3. Việc tu bổ xây dựng chùa cần phải có giấy phép xây dựng của cơ quan có thẩm quyền cấp, theo quy định tại Điều 34, Nghị định 92/2012”.

Đừng để sự đã rồi

Chùa An Tháp tuy không thuộc diện di sản do các cấp quản lý, các giá trị của ngôi chùa này về mặt mỹ thuật cũng chưa phải thuộc diện quá đặc biệt, nên dù sao việc người dân tự trùng tu cũng chưa phải là sự việc đáng tiếc. Tuy nhiên trong thực tế, đã có quá nhiều vụ việc người dân hoặc người chủ cơ sở thờ tự tự ý tu sửa, tôn tạo, vi phạm Luật Di sản. Nhiều di tích lịch sử cấp quốc gia, những ngôi chùa cổ bị mất đi nét đẹp văn hóa vốn có khiến dư luận xôn xao, bức xúc. Không đâu xa, ngay cạnh khuôn viên chùa An Tháp là đình Ngu Nhuế cũng đã bị phá dỡ và dời đến một địa điểm khác, dựng mới hoàn toàn khiến dư luận xôn xao cách đây 3 năm.

Sự việc chùa Trăm Gian (Hà Nội) được trụ trì và người dân tự ý tu sửa khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý có thẩm quyền; hay vị trụ trì chùa Chân Long (ở xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội) tự ý đổi tượng cổ thay bằng tượng chính mình là những vụ việc khiến người dân bức xúc. Tháng 2.2014, ngôi chùa Bà Đá nổi tiếng gần nghìn năm tuổi, nằm ngay trung tâm Hà Nội (số 3, phố Nhà Thờ, quận Hoàn Kiếm) cũng khiến các nhà nghiên cứu di sản ngỡ ngàng khi phát hiện có một bức tượng Phật lạ được đưa vào chùa.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường -Phó Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh Hưng Yên) cho biết: “Chính quyền cấp xã nên vào cuộc để làm giúp người dân có hiểu biết thêm về việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích không cơi nới, xây mới, tự ý phá dỡ, di dời đình, chùa”.


 Trao đổi với NTNN về vụ việc chùa An Tháp, PGS -TS Đặng Văn Bài- Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia cho rằng: “Cần phải xem xét, tôn trọng và giải quyết những nguyện vọng của cộng đồng cư dân, những người được giao nhiệm vụ trông nom, quản lý di tích. Quan điểm của tôi là trong mọi lĩnh vực khi xảy ra chuyện gì đừng trách dân mà dân làm sai thì có phần trách nhiệm của Nhà nước là không hướng dẫn cho họ, giáo dục về di sản cho họ. Nếu dân đã biết hết rồi thì tôi tin họ không làm trái pháp luật”.