Bà Vũ Thị Minh Hạnh- Phó viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế- Bộ Y tế công bố tại Hội thảo Cung cấp thông tin liên quan đến phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia diễn ra ngày 2/4.
Theo Bộ Y tế, tình trạng lạm dụng rượu bia, điều khiển phương tiện giao thông trong tình trạng say xỉn vẫn đang có chiều hướng gia tăng, bất chấp rất nhiều biện pháp kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền.
Bà Vũ Thị Minh Hạnh cho biết, hiện tình hình tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam đang gia tăng báo động.
Cụ thể, tỷ lệ tiêu thụ cồn bình quân đều người của người trưởng thành Việt Nam tăng từ 3,8 lít/người năm 2005 lên 6,6 lít/người năm 2010. Tiêu thụ bia tăng từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít trong năm 2013, trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 ở Châu Á, chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Đàn ông Việt Nam tiêu thụ rượu bia đang ở mức báo động
Theo điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, trên 18.412 nạn nhân tai nạn giao thông nhập viện ở Việt Nam, có tới 36% người đi xe máy có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép (50mg/dl); 66,8% người lái xe ô tô có nồng độ cồn cao hơn mức cho phép (Omg/dl).
Tại Việt Nam, năm 2012, cả nước tiêu thụ khoảng 3 tỷ lít bia, tương đương với khoảng 3 tỷ USD, ước tính khoảng gần 3% số thu ngân sách của cả nước.
"Việt Nam có mức thu nhập đứng thứ 8 khu vực Đông Nam Á nhưng mức tiêu thụ bia lại đứng thứ nhất”, bà Hạnh nói.
Theo bà Hạnh, rượu bia không chỉ có tác động lớn tới kinh tế, mà còn là nguyên nhân của hàng trăm ngàn vụ tai nạn giao thông mỗi năm. Lạm dụng rượu bia đang từng ngày từng giờ tàn phá, hủy hoại sức khỏe của hàng triệu người dân Việt Nam.
Ông Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương cũng cho biết, lạm dụng rượu bia là nguyên nhân chính của những vụ bạo lực gia đình, tội phạm xã hội.
Theo thống kê, 68% số vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam có nguyên nhân do sử dụng rượu bia; 38% số vụ gây rối trật tự tai nạn an toàn xã hội có nguyên nhân từ sử dụng rượu bia...
Để góp phần ngăn chặn hậu quả khôn lường của việc lạm dụng rượu bia, theo nhiều chuyên gia y tế, điều quan trọng nhất là thay đổi thói quen tiêu dùng, giúp họ nhận thức được mức độ nguy hại.
Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế cho biết, pháp luật về quảng cáo bia rượu ở nước ta vẫn còn những "khoảng trống". Hiện luật chỉ mới quy định cấm quảng cáo rượu từ 15 độ trở lên, còn rượu dưới 15 độ, bia và đồ uống có cồn được quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình thường, do đó không hạn chế về đối tượng tiếp cận, nội dung thời gian, không gian.
Theo bà Trang, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có kiến nghị với cơ quan liên quan kiểm soát toàn diện đối với hoạt động quảng cáo, khuyến mại, tài trợ tất cả đồ uống có cồn bao gồm cả rượu và bia.
"Nghiêm cấm quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên và hạn chế bia, rượu có nồng độ cồn từ 12 độ đến dưới 15 độ", bà Trang thông tin.