Chiều 25.6, Đoàn kiểm tra liên ngành thủy điện Gia Lai đã họp để thống nhất một số nội dung về nguyên nhân gây ra sự cố vỡ đập Thủy điện Ia Krel 2 hôm 12.6 để tiến hành báo cáo UBND tỉnh Gia Lai. Theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Gia Lai - ông Trịnh Văn Sang: Chủ đầu tư thiếu hiểu biết mà không thuê đơn vị có kinh nghiệm để tư vấn dẫn đến thi công ẩu.
Đoạn đập thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ sáng 12.6 |
Mặt khác, có nhiều dấu hiệu cho thấy chủ đầu tư đã thay đổi thiết kế khi thi công công trình. Cống dẫn dòng được thiết kế làm 7 đoạn đã bị chủ công trình bớt một phần. Phần chống thấm bằng đất sét xung quanh cống dày 50cm cũng bị bỏ qua, các mối nối giữa các đoạn được thay thế bằng các chất liệu không bảo đảm so với yêu cầu. Phần mái thượng thi công không đảm bảo dẫn đến bị thấm nước ảnh hưởng đến thân đập… Hàng loạt lý do trên đã khiến cho đập Ia Krel 2 bị vỡ.
Vì sự bất an từ chất lượng kém của đập Thủy điện Ia Krel 2 mà Sở Xây dựng đề nghị bỏ, không sử dụng.
Vụ vỡ đập đã làm gần 200ha hoa màu của người dân bị thiệt hại, 122 hộ dân bị ảnh hưởng. Số tiền thiệt hại được xác định lại vào khoảng hơn 5 tỷ đồng. Theo ông Huỳnh Ngọc Tục - Giám đốc Sở Công Thương, phải đến cuối tháng 7 thì việc bồi thường thiệt hại mới có thể hoàn thành vì hiện nay chỉ mới thống kê xong thiệt hại. Chủ công trình với người dân đang thỏa thuận giá đền bù.
Trong một diễn biến khác, UBND tỉnh Gia Lai vừa có quyết định về việc chấm dứt hoạt động dự án đầu tư 6 công trình thủy điện, bao gồm Thủy điện Đak Ayounh, thủy điện Sơn Lang 1 và 2 (chủ đầu tư là Công ty Kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức); Thủy điện Ia Glae 2 (Công ty cổ phần Thủy điện Khải Hoàng); Thủy điện Plei Keo (Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Thủy điện Quốc Cường Gia Lai); Thủy điện Ia Hiao (Công ty cổ phần Thủy điện Ia Hiao). Lý do là từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư đến nay, các chủ đầu tư không triển khai việc đầu tư xây dựng để đưa dự án đi vào hoạt động đúng tiến độ đã cam kết.
Quốc Dinh