Trước khi về hưu năm 2012, ông Chu Vĩnh Khang là người đứng đầu bộ máy an ninh đầy quyền lực ở Trung Quốc. Tuy nhiên, vào tháng 7.2014, các quan chức chống tham nhũng tuyên bố mở cuộc điều tra ông Chu và ngay sau đó, ông này bị khai trừ khỏi Đảng. Ông Chu Vĩnh Khang đến nay vẫn được xem là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị điều tra trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Nhiều đồng minh của ông Chu bao gồm cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai đã bị điều tra và truy tố.
Ông Chu hiện khoảng 70 tuổi cũng từng là một trong 9 thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, trung tâm quyền lực của chính quyền Bắc Kinh. (Hiện nay, Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cải tổ chỉ còn 7 thành viên).
Các nhà phân tích bình luận, quyết định điều tra ông Chu giúp Chủ tịch Tập Cận Bình - người nhậm chức hồi tháng 3.2013 - củng cố quyền lực, loại bỏ những người chống đối kế hoạch cải cách của ông đồng thời cải thiện hình ảnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo Tân Hoa xã, việc Trung Quốc xét xử công khai ông Chu Vĩnh Khang phản ánh chính quyền Tập Cận Bình đang nỗ lực chứng tỏ sự minh bạch. Ở Trung Quốc, lâu nay các vụ án nhạy cảm về chính trị vốn đều được xét xử kín.
Năm 2013, Bắc Kinh từng chứng tỏ sự minh bạch, "lấy lòng" dư luận trong nước bằng cách mở phiên tòa xét xử công khai cựu Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai, vốn được xem là một ngôi sao chính trị đang lên và là đồng minh của ông Chu Vĩnh Khang.
Cựu Bí thư Trùng Khánh sau đó nhận án chung thân với các tội danh lạm quyền, nhận hối lộ và tham nhũng 27 triệu nhân dân tệ (khoảng 4,4 triệu USD).
Nhiều nhà phân tích cho rằng, phiên tòa xét xử ông Chu Vĩnh Khang có thể diễn ra tương tự như phiên tòa xử ông Bạc.
Dưới đây là những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời của ông Chu Vĩnh Khang:
Năm 1942: Sinh ra tại thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô, phía Đông Trung Quốc.
Năm 1964: Gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc và có 32 năm công tác trong lĩnh vực dầu khí.
Năm 1998: Được bầu làm Bí thư đảng ủy trong Tổng công ty Dầu khí Quốc gia.