Johann Wolfgang von Goethe (28 tháng 8 năm 1749–22 tháng 3 năm 1832) được coi là một trong những vĩ nhân trong nền văn chương thế giới, ông là một nhà thơ, nhà viết kịch, tiểu thuyết gia, nhà văn nhà khoa học, họa sỹ của Đức. Ông là một trong số ít những người được xem là nhà thông thái.
Hầu hết các tác phẩm của ông trường tồn với thời gian, một trong những số đó là kịch thơ Faust gồm 2 phần, tác phẩm này là một trong những đỉnh cao của nền văn chương thế giới.
Những tác phẩm văn chương nổi tiếng của ông là Wilhelm Meister's Apprenticeship và tiểu thuyết dưới dạng thư Nỗi đau của chàng Werther...
Chính vì thế, ông là niềm tự hào của dân tộc Đức, được Các Mác gọi là "Người Đức vĩ đại nhất".
Johann Wolfgang von Goethe |
Sức "công phá" của cuốn tiểu thuyết đầu tay
Năm 1770, chàng sinh viên Goethe vừa tốt nghiệp Trường luật Leipzig đã đem lòng yêu say đắm tiểu thư Charlotte Buff. Điều oái oăm là trước đó, Charlotte đã đính hôn với Kestner - người bạn thân thiết của chính Goethe.
Là người lịch thiệp, rất trọng tình bạn, Goethe đã cắn răng rút lui khỏi cuộc tình này, để rồi sau đó ít năm, trong nỗi đau khổ, day dứt khôn nguôi, ông đã cầm bút viết nên kiệt tác "Nỗi đau khổ của chàng Werther" (1774), một cuốn tiểu thuyết bằng thơ gây chấn động dư luận.
Kiệt tác "Nỗi đau khổ của chàng Werther" |
Sau khi được phát hành, chỉ trong một thời gian ngắn, cuốn tiểu thuyết đã tạo nên một cú sốc mạnh với công chúng và khơi nguồn cho "cơn sốt Werther" lan tràn khắp châu Âu. Tác phẩm nhanh chóng được dịch sang nhiều thứ tiếng, được phổ biến rộng rãi ngoài biên giới nước Đức.
Ở trong nước, Werther được giới trẻ đón nhận cuồng nhiệt, trong khi nhà thờ và giới chức trách nhìn nhận nó như một "phần tử nguy hại". Thậm chí, có viên cha cố còn kết tội cuốn sách "bênh vực cho sự tự sát, kêu gọi phá vỡ hôn nhân" và "xúi giục giết vua"! Năm 1775, "Nỗi đau khổ của chàng Werther" bị cấm phát hành ở nhiều thành phố của Đức và tiếp đó, ở Thủ đô của Áo và Đan Mạch.
Tác phẩm không những đã gây ra cơn sốt Werther kéo dài nhiều năm trên châu lục, nó còn là xung lực khơi nguồn cho cả một phong trào sáng tác theo "tinh thần Werther" ở khắp trong và ngoài nước. Werther không những đã trở thành hình mẫu của nhiều tác phẩm văn học mà còn là môtip của rất nhiều tác phẩm hội họa và điêu khắc ở thế kỷ XVIII.
Goethe và người bạn "tri kỉ"
Sinh thời, Goethe có người bạn rất tâm đầu ý hợp là nhà thơ, nhà soạn kịch vĩ đại Friedrich Schiller (tác giả vở bi kịch "Âm mưu và tình yêu" trứ danh). Ông này kém Goethe 10 tuổi song lại mất sớm (khi mới 46 tuổi). Thi hài của Schiller được chôn cất tại lăng mộ trong nghĩa trang Jacobs ở Weimar. Gần 30 năm sau, Goethe tạ thế và thể theo ý nguyện của ông, người ta chôn cất ông bên cạnh Schiller.
Điều oái oăm là cách đây hơn năm, báo chí Đức và nhiều nước rộ lên thông tin: Qua so sánh ADN hộp sọ được xem là của Schiller với ADN những người thân của ông, các chuyên gia đi đến kết luận: Hộp sọ trong lăng mộ bên cạnh lăng mộ của Goethe không phải của Schiller. Còn hộp sọ của Schiller ở đâu, câu hỏi hiện vẫn chưa có lời đáp. Như vậy, nói như một nhà nghiên cứu văn học, hẳn trong lăng mộ, Goethe giờ đang rất "cô đơn".
200 năm vẫn giữ ngôi "đầu bảng"
Là người để lại một di sản đồ sộ, thể hiện tài năng trên nhiều lĩnh vực, Goethe thực sự là một tấm gương lao động. Ông nổi tiếng từ khi còn rất ít tuổi, khởi đầu với việc cho xuất bản cuốn tiểu thuyết "Nỗi đau khổ của chàng Werther" năm 25 tuổi. Và đến khi ở tuổi ngoài 80, sức sáng tạo của ông vẫn sung mãn. Những dòng cuối cùng của cuốn truyện thơ "Faust" (được xem là đỉnh cao thi ca Đức thế kỷ XIX) đã được nhà đại thi hào hoàn tất trong những ngày tháng cuối cùng của đời mình, khi ông đã ở tuổi 83.
Sinh thời, Goethe từng phát biểu đại ý rằng, muốn có một tác phẩm lớn, mang tầm vóc thời đại cần phải hội tụ ba điều kiện: Một là dân tộc sinh ra tác giả ấy có điều gì đáng nói với nhân loại không. Hai là phải có thiên tài đủ để thể hiện điều ấy. Và ba là thiên tài ấy phải sáng tạo trong thời kỳ sung sức nhất của đời mình. Cả ba điều kiện trên, Goethe đều hội đủ.