Dân Việt

Hỗ trợ thuốc đắt tiền: Phao cứu sinh cho người bệnh trọng

Diệu Linh 07/04/2015 10:00 GMT+7
Theo danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) được thanh toán mới được phê duyệt, 25 loại thuốc đắt tiền bị quy định tỷ lệ thanh toán. Để hỗ trợ người nghèo, người bệnh nặng,   Bộ Y tế đã tìm kiếm các giải pháp để  hỗ trợ tiền thuốc cho nhóm đối tượng này. 

Cứu cánh

img

Các em nhỏ điều trị tại Bệnh viện Huyết học Truyền máu T.Ư.  TK

Chị Trần Ngọc Linh (31 tuổi, ở Hà Nội) bị mắc bệnh máu CML (bệnh ác tính hệ tạo máu) đang điều trị tại Viện Huyết học Truyền máu T.Ư. Đây là bệnh phải dùng thuốc Glivec rất đắt tiền, mỗi tháng hết hơn 50 triệu đồng tiền thuốc. Trong khi đó, thuốc Glivec lại là thuốc quy định tỷ lệ thanh toán. Hiện BHYT chỉ thanh toán 50% giá trị tiền thuốc. Mức BHYT mà chị Linh được hưởng là 80%, do đó, số tiền thực chất mà chị Linh được chi trả là 40% giá thuốc. Mỗi tháng chị Linh phải trả riêng tiền thuốc điều trị là 30 triệu đồng. “Nghe thấy tiền thuốc tôi đã choáng váng, muốn buông xuôi chịu chết” - chị Linh chia sẻ. Nhưng nhờ vào chương trình hỗ trợ thuốc Glivec và Tasagna dành cho người bệnh có thẻ BHYT (VPAP) của Bộ Y tế, hiện chị chỉ còn phải lo 20% viện phí.

Còn anh Trần Đức Hùng (32 tuổi, Thanh Hóa) được chẩn đoán bị viêm gan C. Là nông dân nên chỉ nghe đến tiền thuốc Peg–Interferon cho 1 lộ trình điều trị là hơn 150 triệu đồng/năm, anh Lê đã muốn về nhà chịu chết. Tuy nhiên, khi lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, anh được hỗ trợ tiền thuốc Peg–Interferon. “Nếu trước đây mỗi tháng tôi phải mua gần 10 triệu tiền thuốc thì nay chỉ còn phải chi 6-7 triệu đồng” – anh Hùng cho biết.

Bị bệnh sẽ được thuốc

Chị Linh là 1 trong gần 3.000 bệnh nhân đã được hưởng lợi từ chương trình VPAP (từ năm 2010). Ngoài thuốc Glivec còn có thuốc Tasagna (điều trị cả bệnh bạch cầu và bệnh u mô đệm dạ dày ruột (GIST). Hiện chương trình này mới chỉ được áp dụng tại 7 bệnh viện (Bệnh viện K T.Ư, Bạch Mai, Chợ Rẫy, T.Ư Huế, Huyết học Truyền máu T.Ư, U bướu TP.HCM, Truyền máu Huyết học TP.HCM). Điều kiện để được tài trợ thuốc là các bệnh nhân đã có BHYT từ 36 tháng trở lên, trẻ em dưới 6 tuổi và bị bệnh CML, GIST. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng có chương trình GIPAP để dành cho các đối tượng không có BHYT hoặc có BHYT dưới 36 tháng. Theo đó, với thuốc Glivec được tài trợ 100%, còn thuốc Tasagna thì bệnh nhân chỉ phải mua thuốc dùng trong 0,5 tháng còn hãng thuốc sẽ tài trợ 11,5 tháng còn lại. Cả chương trình VPAP và GIPAP vừa được gia hạn áp dụng đến năm 2019.

Theo TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, chương trình hỗ trợ thuốc Peg–Interferon cho bệnh nhân viêm gan C mới chỉ áp dụng tại Bệnh viện Nhiệt đới, do đó vẫn chưa nhiều người được hưởng lợi ích.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Giang (chuyên viên Vụ BHYT – Bộ Y tế), hiện mới chỉ có 3/25 thuốc nằm trong danh mục thuốc quy định tỷ lệ thanh toán (chỉ được BHYT chi trả từ 30-50%) được hỗ trợ. 25 loại thuốc này đều là các thuốc đắt tiền, gây khó khăn không ít cho các bệnh nhân.