Cụ tên là Lê Mười (98 tuổi) quê ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), hiện trú tại số 48 Lê Ngô Cát, tổ 22, phường Tân Chính. Trước năm 1959, cụ làm nghề đạp xích lô. Sau năm 1959, cụ bị té xe gãy xương nên không hành nghề nữa và dọn về đây sinh sống đến bây giờ. Khoảng năm 1959, khu vực này còn hoang sơ, cây cối rậm rạp. Cũng từ đó, cụ đã bắt đầu quét đường sá. “Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, khu vực này khi đường sá mở mang và tôi cũng bận rộn với việc quét đường hơn” - cụ Mười hóm hỉnh nói.
Trung bình mỗi ngày cụ quét đường 6 tiếng, tùy theo lượng rác, và mỗi ngày trung bình cụ quét 3-4 lần, mỗi lần gần 2 tiếng. Cứ mỗi sáng, cụ thức dậy lúc 3 giờ 30, nhờ có đèn đường, cụ quét đường đến 6 giờ sáng. Phạm vi quét hàng ngày của cụ dài khoảng 200 mét. Không những quét dưới lòng đường, cụ còn quét cả vỉa hè, nhặt rác, lá rụng nơi từng gốc cây. Cho nên, khu vực này tuy có nhiều cây xanh, lá rụng nhiều nhưng nhờ cụ Mười quét sạch hàng ngày nên mang lại cảnh quan xanh-sạch- đẹp.
Thấy cụ nhiệt tình “ăn cơm nhà, siêng vác chổi”, có người thương bảo cụ nghỉ ngơi cho khỏe, cụ bảo công việc này đã mang lại cho tôi sức khỏe và niềm vui, hạnh phúc khi khu phố luôn luôn sạch, đẹp.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hoàn cảnh kinh tế gia đình của cụ rất túng thiếu. Cụ bà Nguyễn Thị Nhựt (87 tuổi, vợ cụ Mười) cho hay: Hai vợ chồng già yếu, không có việc làm, con cháu nghèo không giúp chúng tôi được. Lại thêm đang nuôi đứa con gái mắc bệnh tâm thần (ngoài 50 tuổi). Cả 3 người chỉ sống với số tiền phụ cấp của phường mỗi tháng 730.000 đồng. Trước đây, khi còn khỏe mạnh, bà còn đi lượm giấy vụn, bao nylon… bán mua thêm mắm muối. Giờ tuổi cao sức yếu, không đủ sức đi lượm “ve chai” nữa nên cuộc sống của 3 người rất khó khăn, nhiều khi còn thiếu tiền mua gạo. Vậy mà cụ Mười có đồng nào con cháu cho đều để dành “mua chổi” để quét đường. Tính ra trung bình mỗi tuần, số tiền cụ mua chổi cũng hết mấy chục ngàn đồng. Cụ bảo: “Tôi chỉ mong có sức khỏe để quét đường sạch sẽ, vệ sinh như vậy đến khi nhắm mắt theo ông bà”.