Ông Nguyễn Đình Nhân (ngụ xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai), gia đình có gần 2ha rẫy điều xen canh với một số loại cây trồng khác như sắn, chôm chôm. Từ đầu tháng ba đến nay, nắng hạn đến sớm khiến đất trong vườn trở nên khô khốc, cây trồng thiếu nước trầm trọng.
Còn bà Đinh Thị Ba, trồng rau màu ở thị xã Bình Dương (tỉnh Bình Dương) thì cho rằng, năm nay nắng hạn đến sớm khiến vườn rau nhà bà teo tóp dần. Để đảm bảo năng suất, chất lượng rau, bà Ba đã phải tăng cường việc tưới nước từ 1 lần/ngày lên 2 lần/ngày, thời gian tưới mỗi lần cũng kéo dài hơn so với trước.
“Mới sáng sớm ra mà đã thấy vườn rau khô khốc rồi, tưới nước tới đâu đất thấm hết tới đó. Do trời nắng nên phải tưới nước mỗi sáng chiều nên chi phí tiền điện, tiền nước tăng lên, giá thành sản xuất cũng tăng theo mất”- bà Ba lo lắng.
Còn tại huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai), hơn 1.000ha mía tới ngày thu hoạch nhưng đang phải đứng chờ... chết cháy vì các kênh rạch trong vùng khô hạn, cạn nước, các phương tiện chở mía không thể di chuyển ra khỏi ruộng. Dù Phòng kinh tế huyện Nhơn Trạch đã tháo gỡ khó khăn cho hơn 70.000 tấn mía cho bà con trong vùng bằng cách dẫn nước từ sông Đồng Nai vào các kênh rạch, tuy nhiên, mực nước trong kênh vẫn ở mức thấp, có nơi, thuyền chở mía vẫn chưa thể vào được.
Ông Bùi Phước Đức – quyền Trưởng phòng Kinh tế huyện Nhơn Trạch cho rằng, việc dẫn nước từ sông Đồng Nai vào các kênh giúp nông dân thoát khỏi nguy cơ mất trắng đồng mía. Tuy nhiên, do độ mặn của nguồn nước từ sông Đồng Nai chảy qua khu vực này hiện khá cao dẫn đến nguy cơ sẽ khiến đất sản xuất trong vùng bị nhiễm mặn, ảnh hưởng tới sản xuất những mùa vụ sau.
Trong khi đó, tại các huyện Tân Phú, Trảng Bom, Thống Nhất... (Đồng Nai), nhiều nhà vườn đang đầu tư nạo vét, đào mới giếng khoan để lấy nước tưới, có nơi phải đào sâu 80 – 100m mới có mạch nước ngầm. Tuy nhiên, theo cảnh báo của cơ quan chức năng, việc đào, khoan giếng với mật độ dày, bừa bãi về lâu dài sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy mạch nước ngầm, gây khó khăn cho sản xuất, trồng trọt sau này.