Bài toán lợi nhuận
Theo tiết lộ từ những đơn vị xuất bản sách, việc in ấn, phát hành thể loại ngôn tình đương nhiên là nguồn thu không nhỏ cho các nhà làm sách hiện nay. Giá bìa nhiều cuốn ngôn tình từ 100.000-120.000 đồng trong khi các tựa sách văn học nghiêm túc chỉ có thể bán từ 50.000-70.000 đồng. Thời gian bán sách ngôn tình dài hạn hơn sách văn học rất nhiều và số lượng ấn bản có thể lên đến cả chục ngàn là bình thường, trong khi đối với sách văn học, con số này là giấc mơ.
Thế nên, nhiều nhà sách sẵn sàng lao vào sản xuất sách ngôn tình để thu lời, thậm chí chẳng cần mua bản quyền. Sách in cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung với khổ chữ khá lớn trên bìa. Có thể kể ra một số cuốn có nội dung nhảm nhí được cấp phép xuất bản, như Ngủ cùng sói (NXB Văn học), Động phòng hoa chúc cách vách (NXB Văn học), Nụ hôn của sói (NXB Văn học), Bài học yêu của Tiểu Ma Vương (NXB Thời đại)…
Tràn lan sách ngôn tình trên các quầy sách
Có nhiều công ty tham gia làm sách ngôn tình nhưng sản xuất mạnh dòng sách ngôn tình “gợi cảm” có nhiều yếu tố “dâm thư” trá hình chỉ tập trung ở một vài đơn vị. Rất tiếc cơ quan quản lý xuất bản vẫn chưa có động thái chấn chỉnh.
“Ngoài vi phạm quy định về luật, các NXB và đối tác liên kết còn vi phạm về đạo đức nghề nghiệp khi cho ra đời những ấn phẩm kém như thế này” - ông Chu Văn Hòa - Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành - nhận xét. Ông Hòa cho biết từ năm 2014, Cục Xuất bản, in và phát hành đã nhìn thấy hiện trạng này và đã có văn bản gửi các NXB đề nghị tiết chế, lựa chọn và biên tập kỹ, đặc biệt chú ý đối với các loại truyện vô bổ như sách ngôn tình. “Nên nếu phát hiện các ấn phẩm quá tệ, cục sẽ can thiệp và có những giải pháp thích hợp” - ông Hòa nói.
Chưa để tâm đến lợi ích quốc gia
Nhà phê bình Văn Giá, Trưởng Khoa Viết văn Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, khẳng định: “Sách ngôn tình thực chất không có tội, đó là dòng tiểu thuyết lãng mạn, hài hước, mang tính giải trí cao, hướng tới số đông.
Ngôn ngữ của tiểu thuyết ngôn tình rất phù hợp với điện ảnh cho nên rất nhiều phim truyền hình được chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình và rất thành công. Cũng có rất nhiều tác giả của dòng ngôn tình là những trí thức trẻ, tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng nhất thế giới, thông thạo đông tây kim cổ, trí tưởng tượng phong phú và họ đã sáng tạo ra những câu chuyện tình tuyệt vời, không phải bỗng dưng mà ngôn tình có được đời sống mạnh mẽ. Nhưng tiểu thuyết ngôn tình không có khả năng đại diện cho bất cứ một nền văn học nào. Cho nên, nếu công chúng chỉ biết tới nó như một giá trị duy nhất thì sẽ là mối nguy lớn làm suy kiệt đời sống thẩm mỹ và tinh thần của xã hội”.
Giới xuất bản Việt thừa nhận các nhà làm sách ngôn tình ở phương Tây là một đẳng cấp khác xa so với nền xuất bản Việt. Một năm, có thể họ chỉ làm 1-2 cuốn, xong lại tập trung tìm hiểu kiến thức để làm dự án khác cho thật tử tế nên cuốn nào ra cũng hay, cũng ăn khách. Ngay cả các NXB danh tiếng nhất thế giới như Random House (Mỹ), HarperCollins (Scotland), Harlequin (Canada)… cũng có dòng sản phẩm này.
Sách ngôn tình không có tội nhưng “dâm thư” trá hình thì chắc chắn có nhiều tội. Đại diện các nhà sách uy tín đều khẳng định rằng bày những cuốn “đam mỹ” (thực chất là đồng tính nam) hay những cuốn “dâm thư” trá hình lên giá sách văn học như vậy thực sự là một nỗi xấu hổ lớn vì chính người Việt đã không biết tôn trọng lợi ích quốc gia nên mới đem “rác văn hóa” của người ta về đầu độc giới trẻ nhà mình.
Ngoài những ấn phẩm được biên dịch, in thành sách phát hành hợp pháp, tiểu thuyết ngôn tình được dịch bậy bạ, thiếu kiểm soát đang thoải mái đăng tải trên các trang mạng nhưng chưa thấy cơ quan quản lý để tâm.
Trong khi chờ cơ quan chức năng có những biện pháp quản lý, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm cảnh báo: “Nhà trường và xã hội đều phải có trách nhiệm cùng kiểm soát tình trạng này. Các bậc cha mẹ cần quan tâm đến món ăn tinh thần của con mình chặt chẽ hơn”.