Cụ thể, dự án Giao thông nông thôn 3 (GTNT 3) dính nghi vấn nhà thầu Mỹ trả các khoản tiền có yếu tố tham nhũng, Kiểm toán Nhà nước cũng đã phát hiện những sai sót. Sai sót tập trung ở các khâu chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ trong quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Nhiều hồ sơ khảo sát chưa thực hiện đầy đủ theo quy trình khảo sát đường ô tô 22TCN263-2000 và Sổ tay hướng dẫn kỹ thuật của dự án. Cụ thể như không điều tra thu thập mức nước lũ hàng năm, không xác định vị trí, trữ lượng mỏ vật liệu dẫn đến phải bổ sung dự toán.
Tại Hưng Yên, nhà thầu tư vấn thực hiện khảo sát hiện trường trước khi có quyết định phê duyệt kết quả chỉ định đấu thầu và hợp đồng được ký kết. Trách nhiệm thuộc về các đơn vị tư vấn tham gia lập dự án và các Ban QLDA địa phương.
Nhà thầu Mỹ bị Ngân hàng thế giới "cấm cửa" do nghi vấn tham nhũng tại dự án giao thông nông thôn 3 (Ảnh minh họa)
Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) và một số ban QLDA địa phương tổ chức kiểm điểm, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai sót trong việc tổ chức, thực hiện, quản lý dự án. Bộ GTVT cũng đã yêu cầu các đơn vị được kiểm toán thực hiện nghiêm túc và báo cáo kết quả trước ngày 31.3.
Tuy nhiên, trả lời về việc Ngân hàng Thế giới (WB) không cho phép Công ty Louis Berger Group (LGB, Mỹ) tham gia vào các dự án có sử dụng vốn của mình do liên quan đến hành vi tham nhũng trong hai dự án tại Việt Nam, ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết chưa nhận được thông tin chính thức.
Lãnh đạo Bộ GTVT hứa sẽ thông tin đầy đủ khi tiếp nhận thông tin chính thức. Còn lãnh đạo Ban QLDA 6 cũng cho biết vụ việc đang được xem xét nên chưa thể đưa ra thông tin chính thức.
Dự án GTNT 3 được thực hiện từ năm 2007 với vốn vay WB, viện trợ không hoàn lại từ Bộ Phát triển Vương quốc Anh (DFID) và vốn đối ứng của Việt Nam. Sau khi ký Hiệp định bổ sung, dự án có tổng vốn vay 203,2 triệu USD từ WB; 53,97 triệu USD viện trợ không hoàn lại của Vương Quốc Anh.
Dự án triển khai tại 33 tỉnh, cải tạo nâng cấp được 3.283 km đường huyện, đường xã và hỗ trợ bảo trì 22.723 km đường huyện và kết thúc vào tháng 6.2014.
Tại dự án GTNT 3, LBG đóng vai trò tư vấn cố vấn, được tuyển chọn qua hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế. Tổng giá trị hợp đồng mà LBG ký với Ban QLDA 6 là 3,705 triệu USD (tương đương 53,5 tỷ đồng) trong thời gian 2008 - 2012.
LBG bị WB phát hiện đã trả các khoản tiền có yếu tố tham nhũng khi tham gia dự án GTNT 3 và Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở TP Đà Nẵng. WB đã không cho phép LBG tham gia vào các dự án sử dụng vốn của mình trong thời hạn một năm.
Liên quan đến việc Ngân hàng Thế giới (WB) công bố thông tin công ty Louis Berger Group (Mỹ) hối lộ ở địa phương, ông Huỳnh Đức Thơ-Chủ tịch TP. Đà Nẵng cho biết, hiện ông chỉ biết thông tin này qua kênh truyền thông báo chí chứ chưa nhận được văn bản báo cáo chính thống nào của WB hay Chính phủ.
Ông Thơ cho biết sẽ cho kiểm tra lại thông tin trên.
Được biết, ngoài 2 dự án WB công bố công ty Louis Berger có hành vi hối lộ, tại Đà Nẵng, công ty này còn tham gia 2 dự án khác là thiết kế Cầu Rồng và đường hầm xuyên đèo Hải Vân.
Louis Berger là công ty phát triển và cơ sở hạ tầng toàn cầu, thành lập năm 1953 tại Mỹ, gồm 3 đơn vị - Louis Berger Group, Louis Berger International và Louis Berger Services. Hãng hiện có gần 6.000 kỹ sư, kiến trúc sư, nhà khoa học, kinh tế học tại hơn 100 văn phòng tại 57 quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, hãng có văn phòng tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) và từng đặt văn phòng tại Hà Nội. Ngoài 2 dự án được World Bank nêu tên có sai phạm, là Giao thông Nông thôn 3 và Đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở Đà Nẵng, hãng còn có 3 dự án khác là Cầu Rồng (Đà Nẵng), Đường hầm xuyên đèo Hải Vân và Dự án Lưu vực sông Hồng II.
Ngày 4.2.2015, WB đã ra thông cáo trên website chính thức về việc cấm LBG tham gia các dự án của ngân hàng trong vòng 1 năm. Công ty này (LBG) được cho là đã trả các khoản tiền có yếu tố tham nhũng. Công ty mẹ của LBG là Berger Group Holdings, Inc. (BGH) cũng bị hạn chế tham gia đấu thầu các dự án của WB trong thời gian tương tự vì không giám sát hiệu quả hoạt động của công ty con.