Dân Việt

Múa náp - điệu múa 100 tuổi hồi sinh và cuốn hút

An Sơn 06/04/2015 07:58 GMT+7
Sau gần 100 năm bị rơi vào quên lãng, múa náp của người dân thôn Tân Mỹ (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) đã hồi sinh và trở thành sản phẩm du lịch độc đáo cuốn hút du khách thập phương. 

Sống lại điệu múa cổ

Người dân vùng biển Tân Mỹ không biết điệu múa náp truyền thống của thôn có từ bao giờ. Nhiều bậc cao niên trong thôn kể rằng, từ thời Gia Long (1802-1820), điệu múa cổ này đã được vua khen ngợi. Chuyện là, trong một lần đi qua thôn Tân Mỹ, nhà vua thấy trên bờ có một nhóm người đang biểu diễn múa náp nên ghé xem. Sau khi thưởng thức các màn múa với những cử chỉ uốn lượn đặc sắc, vua trầm trồ khen ngợi và khuyên người dân địa phương nên giữ gìn điệu múa này.

img
Một buổi biểu diễn múa náp Tân Mỹ. Ảnh: An Sơn

 

Thuở đó, múa náp là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Tân Mỹ trong các dịp lễ hội, hiếu hỷ ở thôn. Qua điệu múa này, dân làng thể hiện khát vọng mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng để những chuyến ra khơi luôn đầy ắp tôm cá. Về sau, trải qua những cuộc binh đao, điệu múa này ngày càng mai một rồi thất truyền...

Từ năm 1994, nhận thấy sự cần thiết phải làm sống lại múa náp để phục vụ đời sống tinh thần của dân làng, nhiều cao niên thôn Tân Mỹ bắt tay phục dựng điệu múa cổ này. Đi đầu trong hoạt động này là các ông Trần Đình, Phan Đăng Khoa và Trần Đa. Việc phục dựng điệu múa cổ vô cùng gian nan do những người biết về điệu múa này đều đã khuất núi từ lâu. May mắn là nhiều văn bản Hán – Nôm được cất giữ tại các gia phả họ tộc trong thôn có nói về điệu múa cổ.

Qua các văn bản này, các ông Đình, Khoa, Đa tìm được tư liệu về các bài, màn múa náp để phục dựng đúng với nguyên bản. Rồi 2 đội múa náp thanh niên và thiếu niên của thôn, mỗi đội 20 người, được thành lập và đi vào luyện tập. Người múa được trang bị quần áo rộng, lưng cuốn đai, đầu chít khăn, chân đi dày vải bó như thủy binh thời xưa. Đạo cụ là đèn, gậy và chiếc náp dài khoảng 100cm - giống như một thanh đao.

Dưới sự chỉ huy của đội trưởng theo tiếng gõ cặp sênh gỗ, người múa thực hiện các bài múa bái tổ, ba thoi, đá đầu, đánh cán, đánh lưỡi, nhảy ngựa… và các màn tam xà, tứ trụ, vô búp, ra nở, đi vòng số 8… Sau nhiều tháng luyện tập cần mẫn dưới sự chỉ dẫn nhiệt tình của các bậc cao niên, thành viên của các đội múa đã thành thạo các bài, các màn múa náp.

Đặc sản vùng đầm phá

Từ ngày 2 đội múa náp được thành lập, không khí ở thôn Tân Mỹ sôi động như cả bốn mùa đều có lễ hội. Các dịp lễ tết, hiếu hỷ trong thôn đều có đội múa náp đến biểu diễn. Ngoài ra, các đội múa còn đều đặn biểu diễn hàng tuần ở các khoảnh đất trống ở thôn, thu hút đông đảo người dân đến thưởng thức. Múa náp trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống, kéo dân làng rời xa phim ảnh nguy hại và các tệ nạn xã hội.

Nhiều năm trở lại đây, múa náp Tân Mỹ đã vươn ra khỏi phạm vi thôn làng khi được đưa vào khai thác du lịch. Dự án du lịch cộng đồng do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội triển khai đã đưa múa náp Tân Mỹ vào tour du lịch khám phá “Tam Giang huyền thoại”. Hàng tuần, các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước tham gia tour khám phá vùng đầm phá Tam Giang đều ghé thôn Tân Mỹ để thưởng thức đặc sản múa náp.

Khi chúng tôi có mặt ở thôn Tân Mỹ cũng là lúc đoàn du khách nước ngoài gần 20 người ghé thôn để thưởng thức múa náp. Đã quen với việc biểu diễn phục vụ du khách nên các đội múa náp không cần mất nhiều thời gian chuẩn bị vẫn đi vào biểu diễn hết sức chuyên nghiệp. Trên phông nền là âm thanh trống kèn rộn rã, réo rắt, những động tác uốn lượn đặc sắc của người múa khiến đoàn du khách ngoại quốc mê đắm.

Sau khi thưởng thức các màn múa náp, ông Daniel - du khách đến từ Australia trầm trồ: “Tôi đã đi đến nhiều nơi trên thế giới và thưởng thức nhiều điệu múa truyền thống nhưng hiếm có điệu múa nào đưa đến cho tôi cảm xúc đặc biệt như múa náp Tân Mỹ. Chắc chắn thời gian tới tôi sẽ đưa người thân và bạn bè của mình đến đây thưởng thức múa náp”.

Ngoài trở thành đặc sản du lịch của vùng đầm phá Tam Giang, múa náp Tân Mỹ còn thường xuyên có mặt tại các lễ hội hàng năm do xã Quảng Ngạn cũng như huyện Quảng Điền tổ chức. Đặc biệt, nhiều du khách trong nước sau khi thưởng thức múa náp Tân Mỹ còn thuê các đội múa của thôn đến biểu diễn ở gia đình, địa phương mình vào những dịp lễ hội, hiếu hỷ. “Việc các đội múa náp của thôn biểu diễn phục vụ du khách và đi biểu diễn ở những địa phương khác đã khiến thương hiệu của múa náp Tân Mỹ ngày càng vang xa”- ông Trần Đình phấn khởi.

Theo ông Nguyễn Chiến- Chủ tịch UBND xã Quảng Ngạn, múa náp Tân Mỹ hồi sinh đã đóng góp lớn vào việc phát triển đời sống văn hóa tinh thần và cả kinh tế của địa phương. Ông Chiến cho biết, chính quyền xã đã và sẽ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thiết thực để người dân Tân Mỹ giữ gìn và phát triển múa náp...

 Múa náp Tân Mỹ đã vươn ra khỏi phạm vi thôn làng khi được đưa vào khai thác trong dự án du lịch cộng đồng do Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội thực hiện. Khán giả có thể xem múa náp Tân Mỹ khi tham gia tour du lịch khám phá “Tam Giang huyền thoại”.