Dân Việt

Toàn thân mưng mủ vì nắng nóng

Infonet 06/04/2015 08:11 GMT+7
Dù mới bước vào những đợt nắng nóng đầu mùa, nhưng số lượng bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu Hà Nội khám và điều trị các bệnh sẩn ngứa, viêm da dị ứng đã tăng hơn so với mức bình thường.

Bắt đầu từ những nốt sẩn như muỗi đốt

Đã gần hết giờ khám ngày cuối tuần, vậy mà trước cửa phòng khám của TS. Nguyễn Minh Quang (PGĐ Bệnh viện Da liễu Hà Nội) vẫn còn rất đông bệnh nhân (người lớn, trẻ em) ngồi chờ đến lượt.

Trong số này đáng chú ý trường hợp bé Lê Hồng V. ( 11 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội).  Bé bứt rứt, nhấp nhổm không chịu ngồi yên, hết đứng lên lại ngồi xuống. Khuôn mặt bé xuất hiện đầy những nốt chấm thuốc tím nhìn lỗ chỗ, đôi tay bé không chịu để yên liên tục cho lên mặt, xuống cổ gãi xoành xoạch.

img

 

 TS. Nguyễn Minh Quang ái ngại trước bệnh trạng của bé V.

Phải chờ hết bệnh nhân, phóng viên mới gặp được vị bác sĩ “ đắt hàng” này. Vừa mở cửa phòng TS Quang đã nói ngay, chỉ mấy hôm Hà Nội nắng nóng, lượng bệnh nhân đến viện đã tăng đột biến. Theo đó, các bệnh về da thường gặp gồm: viêm da do tiếp xúc, do dị ứng cơ địa, chốc, lở. Tuy nhiên, do mới vào đầu hè nên 70% bệnh nhân mắc các bệnh sẩn ngứa, viêm da cơ địa.  

“Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng, với độ ẩm và nhiệt độ quá cao dễ làm cơ thể rối loạn điều nhiệt, rối loạn tuần hoàn là môi trường thuận lợi khiến viêm da cơ địa bùng phát. Một trong những đặc tính của loại bệnh này là ngứa, càng nóng càng ngứa. Mà ngứa thì không đừng gãi được, thậm chí gãi mạnh. Gãi không kiểm soát được sẽ trầy xước da dễ gây lở loét, nhiễm trùng, làm cho bệnh càng nặng thêm” – TS Quang nhấn mạnh.

Trường hợp bé V. là ví dụ. Theo lời bố bé kể lại, ban đầu bé chỉ xuất hiện 2 nốt sẩn ở bụng kèm ngứa.  Bố mẹ tưởng ngứa nên cũng không để ý, đến khi bé kêu ngứa, gãi liên tục kiểm tra bụng con thì khắp bụng đã xuất hiện những nốt sẩn, mưng mủ. Mẹ bé liền ra cửa hàng thuốc ở gần nhà mua thuốc về bôi. Hai ngày sau, những nốt sẩn ở bụng lan tiếp xuống vùng kín, chạy khắp đùi, cánh tay rồi lên kín mặt. Lúc này bé V. mới được bố mẹ đưa đến viện khám. 

Không tự ý điều trị

Theo TS. Quang, thì chứng sẩn ngứa được phân thành nhiều thể. Sẩn ngứa ở trẻ em có biểu hiện đầu tiên là sần phù nhỏ; bệnh tiến triển thành nhiều đợt mà căn nguyên có thể giống với viêm da cơ địa. Sẩn ngứa cấp tính ở người lớn có biểu hiện là các sẩn nhỏ, màu sắc giống màu da bình thường, trên có mụn nước nhỏ dễ vỡ; bệnh có thể tăng mạnh vào các đợt nắng nóng, thời tiết oi bức.

BS Quang nhấn mạnh, khi có các dấu hiệu của bệnh da, bệnh nhân cần đi khám bác sĩ. Tuỳ theo từng loại bệnh, bác sĩ sẽ có đơn điều trị phù hợp. Không nên tự nặn các mụn mủ, cố gắng hạn chế gãi trầy các nốt mụn. Một lưu ý khác là khi thấy ngứa, nổi mụn người dân cần tuyệt đối không mua thuốc để uống và bôi theo kinh nghiệm bản thân hoặc do bạn bè, người thân mách bảo.

“Một trong những thói quen của người dân đó là tự ý điều trị. Đặc biệt là các bệnh ngoài da. Có lẽ mọi người vẫn nghĩ ngoài da không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nên thường coi thường. Đây là cách suy nghĩ cực kỳ nguy hiểm. Bởi nếu không được khám và điều trị kịp thời bệnh nhân rất dễ nhiễm trùng da, nhiễm khuẩn máu, thậm chí có thể tử vong nếu bệnh diễn tiến nặng. Trường hợp bé V.  rất may bố mẹ đưa đến viện kịp thời. Tuy nhiên, ở những trường hợp này, sẽ mất nhiều thời gian điều trị hơn so với bệnh mới phát đến viện ngay” – TS Quang nói.

Để phòng bệnh, theo TS Quang người dân  nên có chế độ ăn uống hợp lý, tránh các đồ ăn kích thích, cay nóng, tăng cường rau quả. Không chỉ với trẻ em mà ngay cả người lớn cần phải vệ vệ sinh thân thể, giữ da khô thoáng, sạch sẽ. Mặc quần áo rộng, thoáng, thấm mồ hôi. Ưu tiên đồ sáng màu để tránh bắt nắng. Ngoài ra, người dân cũng nên kích thích tuần hoàn cho da đều đặn bằng xoa, bóp, lăn… cho da. Sử dụng kem chống nắng, đều, đúng, đủ đồng thời người dân cần cung cấp đủ lượng nước để bù đắp cho việc hao tổn nước vì nắng nóng.