Dân Việt

Từ vụ “Thạch Sanh cởi truồng”, “sọ dừa” thành “sọ người“: Ngụy biện, tùy tiện

06/04/2015 10:50 GMT+7
Đã là truyện dân gian thì có thể có một hay rất nhiều dị bản, phản ánh đời sống và cách nhìn phong phú của con người trong một giai đoạn lịch sử. Tôn trọng sáng tạo của cộng đồng hay chọn lọc, chỉnh sửa để phù hợp với tâm lý tiếp nhận của độc giả, đó lại là câu chuyện khác.

Cổ tích “quên” chân-thiện-mỹ

Người mẹ trước khi chết, cởi chiếc quần độc nhất của mình nhường cho Thạch Sanh để con không phải… cởi truồng. Một đoạn khác thuật lại cảnh Thạch Sanh đánh nhau với trăn tinh, “Thạch Sanh giơ búa nhè giữa đầu trăn bổ xuống thật mạnh, nó bị vỡ đầu, óc phọt ra chết tươi”.

Đó là những đoạn miêu tả trong truyện Thạch Sanh của cuốn “Truyện cổ tích Việt Nam” do NXB Kim Đồng tái bản tháng 10-2014. Ở truyện “Sọ Dừa”, nằm trong một ấn phẩm được cho là của NXB Hồng Đức, có đoạn người mẹ uống nước trong sọ… người, kèm theo hình minh họa người mẹ cầm một chiếc sọ người trên tay.

Hình ảnh người mẹ cầm chiếc sọ người gây choáng váng cho độc giả
Hình ảnh người mẹ cầm chiếc sọ người gây choáng váng cho độc giả

 

Hẳn không ít độc giả, trong đó có những bậc phụ huynh cảm thấy “sốc”, khi những câu chuyện cổ tích tưởng chừng rất quen thuộc với con em mình, lại được kể, được tả theo những cách khá phản cảm, nhuốm màu bạo lực, thậm chí rùng rợn. Nói như một nhà nghiên cứu văn hóa, chuyện Thạch Sanh là “một phóng tác rất dở” vì nó không "chân" (người mẹ xưa mặc quần), không "thiện" (chi tiết “phọt óc chết tươi”), không “mỹ” (văn chương lủng củng, chi tiết cắt xén, thiếu logic kể chuyện cổ tích). Nguồn gốc những tình tiết gây sững sờ này đều được giải thích là “theo dị bản”. Thế nên khi bị phản ứng là đổ cho dị bản. Thế là xong! 

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, Đại học Quốc gia Hà Nội, dị bản có thể là mỗi bản ghi, một lần kể, hay một bản dịch do những cư dân thuộc các tộc người khác nhau ghi lại. Bởi tính phong phú trong cả cách thức lẫn nội dung truyền đạt nên nhiều truyện cổ tích dân gian xưa tồn tại nhiều dị bản khác thường, thậm chí là quái dị.

Không nói đâu xa, truyện cô Tấm trả thù mẹ con Cám bằng cách “dội nước sôi”, “làm mắm con gửi về cho mẹ ăn” trong truyện cổ tích Tấm Cám từng gây ra không ít tranh luận. Một số cho rằng hành động của Tấm là phù hợp với nhân quả, ác giả thì ác báo. Số khác phản bác những hành động tàn độc như vậy không thể tồn tại ở một nhân vật được cho là nết na, hiền dịu, lại càng không phù hợp truyền thống đạo đức, cách đối nhân xử thế của người Việt. Vậy chấp nhận hay không chấp nhận?

Phóng tác để khỏi phải trả tiền?

Quay trở lại câu chuyện bị cho là rùng mình – “người mẹ uống nước trong sọ người”, người ta bỗng phát hiện, hóa ra chi tiết này xuất hiện trong rất nhiều ấn phẩm truyện cổ tích trên thị trường. Trong đó có cả bộ sách “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của NXB Giáo dục, do tác giả Nguyễn Đổng Chi - một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian nổi tiếng sưu tầm.

Nhưng có lẽ, nó sẽ không gây phản cảm nhiều nếu đơn vị xuất bản không đưa hình minh họa không những thiếu thẩm mỹ mà còn khá ghê rợn đối với cách nhìn của trẻ nhỏ. Người họa sỹ vẽ truyện cũng không lường được sự tác động tiêu cực của hình ảnh như vậy đối với những tâm hồn ngây thơ, non nớt.

Tương tự, cảnh Thạch Sanh giết Trăn tinh, nếu xử lý một cách mềm mại, trau chuốt hơn thì sẽ làm nổi bật tính oai hùng của nhân vật, chứ đâu gây ra hiệu ứng bạo lực tai hại như vậy. Cuối cùng, sự thật là chẳng ai truy được nguồn gốc của những dị bản đó, hay chỉ là “sáng tạo” của người biên soạn.

Truyện Thạch Sanh với những chi tiết lạ, bạo lực
Truyện Thạch Sanh với những chi tiết lạ, bạo lực

Tôn trọng tính chân thực của nguyên tác, đó là yêu cầu đặt ra đối với người làm sách, nhưng điều này cũng sẽ  phản tác dụng nếu người biên tập không sàng lọc, không đánh giá mà cứ thế đưa lên trang sách.

Và câu hỏi đặt ra là, liệu có phải những người làm sách lâu nay đã quá lạm dụng khái niệm “dị bản” để hợp thức những cái gọi là “phóng tác”, thậm chí thêm thắt cho hấp dẫn, cho câu chuyện thêm phần kịch tính? Đáng nói hơn đã có nhà xuất bản phóng tác truyện để đỡ phải trả tiền bản quyền cho tác giả sưu tầm. Và khi bị phản ứng thì lại mượn chữ “dị bản” để ngụy biện.