Hơn thế, con cháu của mấy vạn người này - những mầm non tương lai - đang nguy cơ lạc lối chốn rừng hoang.
Nghèo vẫn hoàn nghèo
Đã xế chiều nhưng 4 chị em Hoàng Thị Pành vẫn chưa có hạt cơm nào trong bụng. Pành đã 14 tuổi nhưng gầy như cọng đót. Mấy đứa em nó cũng chẳng hơn gì, lem luốc, đen nhẻm… Chúng cứ đầu trần, chân đất vật lộn giữa cái nắng trưa để cạo vỏ mì thuê cho một người thu mua nông sản ngoài phố vào. Pành kể, nhà nó chẳng ai đi học.
Anh chị em cả thảy đến 11 người nhưng chỉ có vài người đọc được cái chữ. Thuở lên 7, Pành cũng như anh chị em mình đã biết việc nương rẫy, biết làm thuê kiếm tiền. Mà có riêng gì nhà Pành, ở cái bản Ea Uôl (xã Cư Pui- Krông Bông- Đăk Lăk) này, đứa trẻ nào mà không phải làm thuê, không phải vất vả với nương rẫy từ tấm bé !
Nhiều diện tích rừng bị phá ngay trước mặt nhưng người giữ rừng bất lực. |
Thực ra chỗ Ea Uôl việc làm thuê chẳng nhiều, quanh quẩn cũng mỗi cái việc nạo vỏ mì, công sá chẳng đáng là bao. Nạo hết nửa tạ mì mới được gần 10 nghìn đồng. Lúc việc đồng áng nhàn rỗi, cả bản kéo ra làm nên chẳng mấy chốc đã hết việc. Khi ấy, người lớn thì ngày ngày giắt cái dao sau lưng lên rẫy dọn cỏ, bẫy thú, trẻ con thì vác cuốc mót mì, bắt dế…
Cuộc sống ở Ea Uôl tẻ ngắt! Cũng phải, bởi ở cái bản nhỏ xíu như tảng đá vắt trên lưng đồi này lại có đến gần ngàn con người tá túc. Nhưng bất ngờ hơn, số hộ ở đây chưa bằng 1/10 số khẩu - tức trung bình mỗi nhà có hơn 10 khẩu. Đã neo cái ăn mà người thì nhiều, nghèo là phải.
“Gần 20 năm đi tìm cuộc sống mới nhưng cuối cùng cũng chỉ có vậy thôi, chẳng thay đổi được gì” - ông Sính Chí Chơ khua tay chỉ căn nhà trống trơn của mình chua chát nói… Ông Chơ vào Ea Uôl từ năm 1996. Những người đi với ông chuyến ấy rất nhiều nhưng người thoát được nghèo rất ít. Mà cũng nhờ chính quyền sở tại quan tâm xây cầu, làm đường chứ không thì chẳng biết đến khi nào mới cất đầu lên được.
Cũng như Ea Uôl, thôn Chư Dhĩat (xã Yang Hanh- Krông Bông), người Mông từ Hà Giang vào rất sớm. 20 năm, một khoảng thời gian đủ để làm thay đổi mọi thứ, nhưng cuộc sống của hơn trăm hộ dân ở đây vẫn vậy… Hoàng Văn Ly lấy vợ, sinh con rồi dọn ra nhà riêng với mấy mấy sào đất bố mẹ cắt cho.
Hơn 10 năm vật lộn gây dựng cuộc sống cho riêng mình, kết quả mà người đàn ông loắt choắt như đứa trẻ lên 10 này có được là hai bàn tay trắng. Con cái Ly dù ở tuổi đến trường nhưng phải lam lũ cùng bố mẹ để kiếm cái ăn. Ở Chư Dhĩat, những hoàn cảnh như Ly còn nhiều lắm. Chỉ ngồi một chốc, Trưởng thôn Hoàng Văn Pao đã liệt kê cho tôi hàng chục gia đình như thế.
Lầm lũi chốn rừng sâu
Cơn mưa đêm khiến đường vào bản Mông (xã Ea Kiết, huyện Cư MGar) trở nên xa lắc. Từ đường liên huyện Cư MGar- Ea Súp luồn qua cánh rừng khộp thêm mấy cây số nữa đến “trung tâm”, rừng bỗng mở ra quang đãng, rộn ràng với nhấp nhô những mái nhà tranh, những chiếc váy sắc màu sặc sỡ… Ngay đầu bản Mông, một con suối lớn chắn ngang. Qua hết con suối này theo con đường nhầy nhụa đất bazan nhào với nước là gần 200 nóc nhà.
Phàn Văn Tịnh
Nhưng có một điều hết sức kỳ lạ là gần như mọi người không muốn tiếp xúc với người ngoài. Thấy chúng tôi, một phụ nữ đang mải mê phát rẫy liền lẻn nhanh vào khu bụi rậm mất hút. Một cụ già đang ngồi vót nan, nghe tiếng người vừa ngẩng đầu lên đã vội vã cúi xuống như chẳng thấy gì. Một cụ bà đang ngồi nhặt bắp, thấy người lạ vào liền cúi gằm mặt xuống, hỏi điều gì cũng “mình không biết đâu”…
Sau gần 2 giờ dạo khắp bản Mông, cuối cùng tôi cũng tiếp xúc được với một người có tên Phàn Văn Tịnh. Hỏi về hiện tượng lạ của làng, Tịnh cho biết: “Họ đề phòng đấy. Bởi theo luật dân ở đây hầu hết đều vi phạm. Chỉ có vài người như em, vô đây mua rẫy cũ nên chẳng sợ gì”.
Tịnh kể, bản Mông hồi “khai sinh” chỉ có vài hộ. Sau đó dân lén vào phá rừng, dựng nhà thành bản. Hiện chính quyền đã chấp nhận họ, nhưng vì sắp xếp ở một chỗ khác khá xa bản cũ nên người dân sợ mất đất. Họ né tránh người ngoài cũng là vì sợ bị… vận động. Vậy là cứ lầm lũi trong rừng cho dù cuộc sống vô cùng cơ cực.
Kỳ 2: Sát thủ của rừng
Duy Hậu