Dân Việt

Trẻ nhiễm HIV bị bạo hành: “Con sâu làm rầu nồi canh“

Diệu Thu 07/04/2015 15:40 GMT+7
“Bảo mẫu đánh trẻ nhiễm HIV đã làm tổn thương những tấm lòng nhân hậu của các mẹ tại trung tâm chăm sóc trẻ yếu thế. Thật đáng buồn, thật phẫn nộ”, TS.BS.Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS bày tỏ.

Ngày 6.4, một tờ báo phản ánh sự việc bảo mẫu của Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) đánh trẻ em bị nhiễm HIV/AIDS bằng tay, bằng dép... ngay trong bữa ăn.

img

TS.BS.Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS

Trao đổi với phóng viên, TS.BS.Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, hành động này không những vi phạm pháp luật về quyền của trẻ em, về kỳ thị và phân biệt đối xử với trẻ nhiễm HIV mà còn là vi phạm nghiêm trọng về đạo đức xã hội.

“Tôi rất bất bình và lên án những hành động của người bảo mẫu đánh đập trẻ nhiễm HIV”, ông Cảnh nói.

Ông Cảnh cho rằng, bảo mẫu hành hạ trẻ nhiễm HIV là những con sâu làm rầu nồi canh. Bởi trong quá trình công tác, ông đã gặp và khâm phục các bảo mẫu tại nhiều trung tâm chăm sóc trẻ mồ côi. Họ đã hy sinh thầm lặng, tận tụy hết mình để làm sao chăm sóc tốt nhất cho trẻ, họ không có công sinh nhưng có sông dưỡng dục để các cháu lớn khôn.

Trường hợp hành hạ trẻ em nhiễm HIV là thiểu số và rất đáng tiếc. Sự việc đã làm tổn thương đến biết bao những tấm lòng nhân hậu cao cả của các mẹ tại trung tâm chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV.

“Thật đáng buồn, thật phẫn nộ”, ông Cảnh nói.

img

Trẻ em nhiễm HIV được chăm sóc tại Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân. Ảnh: Dương Thanh 

 

Theo Cục trưởng Cục phòng chống AIDS, sự việc là hồi chuông cảnh tỉnh để chúng ta phải quan tâm hơn nữa đến việc quản lý trẻ em mồ côi nói chung và trẻ nhiễm HIV nói riêng ở các trung tâm.

Các cấp chính quyền, cơ quan chức năng liên quan và lãnh đạo quản lý phải có chương trình cụ thể, làm tốt hơn nữa công tác theo dõi, giám sát để bảo vệ trẻ. Chẳng hạn, gắn các trang thiết bị theo dõi từ xa và liên tục nhằm dự phòng những tình huống tương tự xảy ra.

Về mặt phân cấp quản lý, các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi đang thuộc ngành Lao động thương binh và xã hội các cấp quản lý. Ngành Y tế lâu nay chỉ tham gia về công tác y tế: thăm khám, điều trị, chăm sóc, tư vấn, nâng cao sức khỏe.

Ông Cảnh đề xuất, mở lớp tập huấn về kỹ năng và tâm lý cho bảo mẫu và những người chăm sóc trẻ mồ côi. Các trung tâm nên tiếp tục công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục về các quy định về pháp luật liên quan đến quyền trẻ em và chống kỳ thị phân biệt đối với trẻ nhiễm HIV.

Để tạo môi trường thuận lợi và nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cần đẩy mạnh các hoạt động thăm hỏi, tặng quà, làm từ thiện.

Những chuyến thăm hỏi, tặng quà sẽ là niềm động viên rất lớn và tiếp thêm sức mạnh, cũng là thay cho lời nhắc nhở để các trung tâm, các bảo mẫu làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

GS.TS.Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng lên án những hành động bảo mẫu dùng dép đánh đập trẻ nhiễm HIV.

“Trẻ nhiễm HIV là đối tượng đặc biệt, chịu nhiều thiệt thòi, thiếu thốn cả về vật chất, tình thương yêu của cha mẹ, người thân. Trước những số phận bất hạnh này rất cần được chúng ta mở rộng tấm lòng yêu thương, che chở để phần nào vơi đi những đau khổ, mất mát của các cháu”, Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ.

GS.TS.Nguyễn Thanh Long cũng giao Cục phòng, chống HIV/AIDS có văn bản đề nghị cơ quan chức năng của thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra và xử lý nghiêm.

Theo đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã yêu cầu Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm tại Trung tâm Linh Xuân.