Dân Việt

Chỗ dựa vững chắc của nông dân

01/07/2013 09:01 GMT+7
(Dân Việt) - Với người nông dân thì Hội Nông dân lâu nay đã như một "bà đỡ" thực sự.
img
Đông đảo đại biểu về dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam

“Bà đỡ” của nông dân

Với người ND thì Hội ND lâu nay đã như một "bà đỡ" thực sự. Trong đó cán bộ Hội cơ sở chúng tôi là người gần ND nhất. Nông dân thiếu vốn, thiếu kỹ thuật làm ăn… người mà họ cần gặp để được giúp đỡ trước tiên sẽ là chúng tôi. Chính vì vậy chúng tôi nhận thức rằng, mỗi cán bộ Hội ND chúng tôi phải không ngừng học tập để nâng cao kiến thức, hiểu biết nhiều chính sách pháp luật của Nhà nước để khi ND cần đến mình thì mình có thể tham mưu, giúp đỡ được.

Giúp ND có nhiều vốn, có kiến thức để làm ăn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của ND, kết nối ND với nhà khoa học - doanh nghiệp... Đó là những kiến nghị được gửi tới Đại hội VI.

Nói cách khác, cán bộ Hội phải đa năng, hiểu biết nhiều. Chúng tôi thấy hiện nay, ND gặp phải những vấn đề liên quan đến pháp luật, nhưng cán bộ Hội như chúng tôi vẫn chưa đủ sức để hỗ trợ, trong khi ngay cả Tỉnh Hội vẫn chưa có một Trung tâm trợ giúp pháp lý. Trên thực tế đây là một vấn đề hết sức quan trọng và cấp thiết đối với ND.

ND quanh năm chỉ biết chăm chỉ làm ăn nhưng có nhiều sự cố xảy ra trong cuộc sống, trong làm ăn dính tới pháp luật. Chúng tôi cũng đã ý thức được điều này nên không ngừng học hỏi, tham gia các lớp tập huấn nhằm giúp nông dân. Nếu Hội ND có Trung tâm trợ giúp pháp lý chắc chắn ND sẽ tìm đến đây. Trung tâm này sẽ giúp ND nâng cao hiểu biết pháp luật, tăng cường phản biện xã hội mà hoạt động này còn góp phần giảm bức xúc xã hội, khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp, dài ngày của người nông dân khi họ thiếu hiểu biết pháp luật."

 Giúp nông dân có vốn, có nghề

Làm công tác Hội nhiều năm tôi nhận thấy rằng, quan trọng nhất đối với ND là vốn và kỹ năng nghề. Tốt nhất là lồng ghép, kết hợp giữa việc cho ND vay vốn và tổ chức dạy nghề. Lấy ví dụ ở xã Quân Bình, trước đây Hội ND xã phối hợp với Hội cấp trên mở lớp dạy nghề trồng nấm cho bà con. Ban đầu bà con còn lo lắng về đầu ra cho sản phẩm, nhưng về sau việc tiêu thụ không còn khó khăn. Từ mô hình trồng nấm, nhiều hộ đã cải thiện được thu nhập, vượt qua ngưỡng nghèo.

Bên cạnh nghề sửa chữa máy nông nghiệp, Hội còn tổ chức dạy cho ND các nghề như trồng rau an toàn, chăn nuôi, thú y... Nghề chăn nuôi, thú y được Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) hỗ trợ gần 500 triệu đồng, giải ngân đầu năm 2012 cho các hộ phát triển mô hình nuôi lợn nái sinh sản. Việc kết hợp vốn và dạy nghề đã giúp kỹ năng sản xuất của ND tăng lên. Chúng tôi rất mừng trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội NDVN đã có nhiều hoạt động để tăng cường nguồn lực cho vốn Quỹ HTND và công tác dạy nghề. Tôi và nhiều ND hy vọng, nguồn lực cho Quỹ HTND và công tác dạy nghề của Hội tiếp tục được tăng cường hơn nữa sau Đại hội VI…

Bà Lâm Thị Có - Phó Chủ tịch Hội ND xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh: Có bột mới gột nên hồ

Tôi thấy mình phải đem đến Đại hội tâm tư, nguyện vọng của hội viên, ND. Tôi kiến nghị Đảng, Nhà nước, các ngành chức năng… cần có chính sách hỗ trợ ND nhiều hơn nữa, nhất là ND vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong việc tiếp cận thị trường, tạo cơ hội cho ND được hưởng lợi nhuận cao trong sản xuất hàng hóa nông sản. Hội phải trở thành chỗ dựa vững chắc của nông dân, giúp ND tiếp cận nhanh với KHKT, các kênh vốn ưu đãi, vật tư nông nghiệp chất lượng và giá cả hợp lý.

Ngoài ra, một kiến nghị nữa là với đội ngũ cán bộ Hội bán chuyên trách ở cơ sở (cấp phó) như chúng tôi, hiện nay mức lương quá thấp, không có khoản phụ cấp nào khác. Dân gian có câu “Có bột mới gột nên hồ”, chúng tôi có thể làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình nếu được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ xứng đáng.

Ông Võ Kỳ Nam, xóm 3, Thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, Bình Định: Sinh hoạt hội cần thiết thực hơn

Tôi là ND sản xuất kinh doanh giỏi cấp T.Ư. Theo tôi, T.Ư Hội NDVN cần có chương trình hướng dẫn đổi mới nội dung sinh hoạt ở Hội Nông dân cơ sở và chi hội nông dân ở thôn, làng, khối phố theo hướng thiết thực, hiệu quả, không khoa trương, chung chung.

Quy định khi hội họp, sinh hoạt ở cơ sở thì ưu tiên dành nhiều thời gian và bố trí cho hội viên trình bày tâm tư, nguyện vọng của mình, gương người tốt, việc tốt để người nghe cân nhắc cái hay, cái tốt mà học tập và làm theo, khắc phục tình trạng lãnh đạo cấp trên diễn thuyết nhiều quá, chiếm hết quỹ thời gian cuộc họp; khi Hội các cấp triển khai chuyển giao tiến bộ KHKT thì mời chuyên gia giảng dạy chuyên sâu, cụ thể để thuyết phục nông dân nhân rộng ứng dụng vào sản xuất có hiệu quả, khắc phục tình trạng mô hình tốt nhưng giẫm chân tại chỗ vì nhiều nguyên nhân như lâu nay, gây lãng phí.

Ông Sùng A Chá, bản Nậm San 1, xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, Điện Biên: Giúp đồng bào phát huy lợi thế

Là hội viên Hội ND, chúng tôi được hưởng nhiều quyền lợi: Được đề xuất, kiến nghị giải quyết khó khăn; được tập huấn khuyến nông, được vay vốn xoá nghèo... Song hiên nay, ND vùng cao vẫn rất khó khăn. Chúng tôi mong muốn Đại hội sẽ bàn và đưa ra nhiều giải pháp thiết thực để ND vùng cao có việc làm, tăng thu nhập, xoá đói nghèo, lạc hậu.

ND vùng cao muốn nhanh hết nghèo, muốn làm giàu nhưng còn thiếu nhiều thứ, như: Không có vốn, ít kinh nghiệm làm ăn, không có điều kiện chuyển đổi nghề, thiếu giống cây, con tốt… Vì vậy, chúng tôi rất mong Hội ND hỗ trợ cho ND vay vốn với lãi suất ưu đãi, dài hạn; có nhiều cán bộ giỏi nghề để tập huấn khuyến nông thường xuyên cho chúng tôi; có đề xuất, kiến nghị với Nhà nước kịp thời hơn, hiệu quả hơn giúp ND thoát nghèo.

Nhiệm kỳ tới, Hội cần có chính sách đào tạo cán bộ Hội từ cấp chi hội trở lên, bởi chi hội trưởng ND là người gần gũi với hội viên, với ND nhất. Họ hiểu khó khăn của ND, biết lợi thế của ND nhưng chưa biết cách phát huy lợi thế, khắc phục khó khăn và chưa đủ năng lực để bảo vệ quyền lợi hội viên ở mức tốt nhất. Nếu được đào tạo tốt hơn thì chi hội trưởng sẽ phát huy vai trò giúp hội viên xoá đói nghèo, đoàn kết xây dựng bản làng ấm no, hạnh phúc; huy động sức dân vào những công việc chung đạt kết quả cao hơn.