Vừa qua, dư luận dành sự quan tâm lớn đến sự việc nhân viên của hãng hàng không Vietjet Air từ chối phục vụ người khuyết tật nặng không tự di chuyển được. Lý do, hành khách Nguyễn Thị Bích Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) không thể tự di chuyển, bắt buộc phải có thiết bị trợ giúp từ gara đến máy bay, nhưng lại không đặt trước dịch vụ theo quy định.
Vietjet đã xin lỗi hành khách Nguyễn Thị Bích Vân, đình chỉ công tác và phạt 5 nhân viên này 5 triệu đồng.
Bà Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP)- người từng nghiên cứu về quyền của người khuyết tật đã chia sẻ với phóng viên xung quanh sự việc này.
Thưa bà, với tư cách là người bảo vệ cho những người yếu thế, bà nghĩ gì về sự việc hãng hàng không từ chối phục vụ hành khách không tự di chuyển được?
Trường hợp của chị Nguyễn Thị Bích Vân không phải là khách hàng hạn chế vận động đầu tiên bị từ chối nhưng lại là trường hợp đầu tiên đưa ra công luận và được ủng hộ rộng rãi.
Kết quả không chỉ dừng lại ở việc Vietjet Air xin lỗi khách hàng và nhân viên vi phạm bị xử phạt mà Cục Hàng không đã rà soát qui định phục vụ khách hàng là người khuyết tật.
Tôi coi sự lên tiếng của chị Nguyễn Thị Bích Vân, ủng hộ của cộng đồng, vào cuộc của các phương tiện thông tin đại chúng và sự phản hồi tích cực từ phía các cơ quan hữu quan là một tín hiệu mừng. Xã hội Việt Nam đang dần nhận ra và ủng hộ quyền được bình đẳng của những người khuyết tật.
Thực tế, nhiều xe buýt không có chỗ cho người khuyết tật lên-xuống, nhiều tòa nhà không có chỗ vệ sinh cho người khuyết tật... Phải chăng đây cũng là sự kỳ thị, thưa bà?
Nhìn vào thực tế, chúng ta mới có một tuyến xe buýt thử nghiệm cho người khuyết tật, một hãng taxi có dịch vụ cho người khuyết tật. Tuy nhiên, còn bao nhiêu vườn hoa, công viên, nhà hàng, siêu thị, cơ sở y tế, trường học người khuyết tật không thể tiếp cận được.
Vậy làm sao người khuyết tật có thể đi lại bình thường và sống vui vẻ hòa nhập. Chưa kể ngoài đường hay đâu đó chúng ta sẽ dễ nghe thấy những câu như: “Đi kiểu gì thế, mù à!’, ‘Điếc à!’, ‘Cái mặt trông như Down! ’‘Cái đồ tự kỉ’…
Tuy là những câu rất vô tình nhưng sẽ làm những người khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, tự kỉ và người thân của họ chạnh lòng.
Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, nhiều người khuyết tật luôn cảm thấy xấu hổ không dám ra đường, không dám có phản ứng. Bản thân họ luôn coi mình là gánh nặng, là "điềm không may mắn" của gia đình. Thậm chí có gia đình khi sinh một người con khuyết tật đã sinh thêm người con khác với ý định rõ ràng là để ‘thay thế’ người con khuyết tật.
Điều đáng buồn là gia đình luôn thể hiện rõ ràng ý định này của họ ngay cả trước mặt người con khuyết tật ở cái tuổi người con đã hoàn toàn ý thức được những người lớn đang nói về điều gì. Vậy ai có thể vui vẻ khi sống trong một môi trường như thế.
Qua nghiên cứu, bà nhận thấy ở các nước trên thế giới, họ ứng xử với người khuyết tật như thế nào? Ở nước ngoài họ có dùng những từ “chột, thọt, què, cụt…” như ở Việt Nam?
Một số bạn bè của tôi đi nước ngoài và thắc mắc, sao ở những nước đó có nhiều người khuyết tật thế. Lẽ ra Việt Nam, với tình trạng tai nạn giao thông nhiều thế, chưa kể khuyết tật do các nguyên nhân khác, thì phải hay gặp người khuyết tật mới phải.
Họ nói thế vì ra đường rất hay gặp người khuyết tật và có thể gặp họ ở mọi nơi: trong công viên, siêu thị, trên các phương tiện giao thông công cộng, trong các trường đại học… có cơ hội tham gia các hội nghị quốc tế, ở hội nghị nào tôi cũng có thể gặp các diễn giả là người khuyết tật.
Các nơi bao giờ cũng có phần chú thích: “có phương tiện tiếp cận cho người khuyết tật". Các giảng đường sẽ có những chỗ ngồi riêng chỉ có bàn mà không có ghế để người sử dụng xe lăn.
Một điều đặc biệt nữa là rất nhiều người khuyết tật đi ngoài đường hoàn toàn một mình kể cả khi họ dùng xe lăn.
Ở các thành phố lớn ở nước ngoài việc tìm chỗ đỗ xe đôi khi rất khó nhưng không ai dám đỗ xe vào chỗ dành cho người khuyết tật vì sẽ bị phạt rất nặng.
Ở nước ngoài sử dụng ngôn từ miệt thị sẽ gặp phản ứng của những người xung quanh. Hơn nữa những người khuyết tật có thể kiện họ vì sử dụng những từ mang tính kì thị và phân biệt đối xử.
Bà có thường xuyên nhận được chia sẻ của người khuyết tật về việc họ bị miệt thị không, thưa bà?
Trong một nghiên cứu của chúng tôi về tình yêu và quyền sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của người khuyết tật, hai phần ba số người được phỏng vấn cho biết tình yêu của họ bị ngăn cấm và phản đổi.
Phụ nữ khuyết tật bị ngăn cấm và phản đối nhiều hơn nam giới khuyết tật. Các bạn thanh niên khuyết tật trẻ muốn gặp gỡ nhau cũng rất khó vì không phải chỗ nào cũng tiếp cận được xe lăn.
Dường như chúng ta chưa có môi trường thân thiện với người khuyết tật, do vậy người khuyết tật ở Việt Nam có thể bị kì thị và phân biệt đối xử ở rất nhiều thời điểm và hoàn cảnh.
Khi đi học bị bạn trêu, bị xúc phạm, thậm chí bị đánh. Khi lớn lên, tình yêu của họ bị ngăn cản.
Xin trân trọng cảm ơn bà!