Cần cân nhắc thu hẹp phạm vi áp dụng là chỉ đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, tội khủng bố, rửa tiền và tội phạm về tham nhũng. "Biện pháp đặc biệt được áp dụng với ai? Thời hạn áp dụng bao lâu? Người ra quyết định áp dụng và người có thẩm quyền phê chuẩn quyết định áp dụng thế nào?" - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nói.
Ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án TAND Tối cao cho rằng các thủ tục đặc biệt như nghe lén điện thoại, bóc thư từ để theo dõi... đều vi phạm Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. "Vậy cơ quan nào có quyền áp dụng thủ tục đặc biệt này, nên chăng giao cho tòa án quyết định vì chúng ta cần một cơ quan chịu trách nhiệm" - ông Sơn đề xuất.
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an cho hay ông chưa hiểu biện pháp điều tra đặc biệt là biện pháp gì? Hiện nay có biện pháp điều tra tố tụng và trinh sát điều tra của lực lượng công an, đây là quy định bí mật.
Ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó ban Nội chính T.Ư cho rằng, cần cụ thể hóa những biện pháp điều tra đặc biệt. Nếu các biện pháp này thuộc 7 nhóm biện pháp trong giai đoạn trinh sát thì không thể hợp thức hóa bằng luật được.