Dân Việt

Bằng mọi giá chọn trường tốt cho con: Mất nhiều hơn được

Ngô Châu Anh/Infonet 08/04/2015 08:30 GMT+7
Các chuyên gia tâm lý đánh giá, không thể phủ nhận, nếu trẻ có tố chất lại được học giáo viên tốt có thể nâng cao trình đô. Nhưng chắc chắn những đứa trẻ này sẽ bị khiếm khuyết về mặt nhận thức.

Giáo viên đều từ một cơ sở đào tạo

Thẳng thắn trao đổi về việc một bộ phận phụ huynh tại các thành phố lớn có xu hướng cho con học trường có tiếng, chọn lớp có học sinh học lực giỏi, thậm chí còn chọn luôn giáo viên, một hiệu trưởng trường THCS quận Ba Đình cho rằng, đây là điều không cần thiết.

img

Không nhất thiết phải bằng mọi cách chọn trường tốt cho con

Sở dĩ đưa ra điều này vì theo vị hiệu trưởng này tất cả giáo viên đều được đào tạo từ trường cao đẳng sư phạm hoặc đại học sư phạm mà ra. Trình độ, kiến thức như nhau, trong khi đó một nguyên tắc của phương pháp giáo dục là dạy trẻ từ những kiến thức cơ bản nhất. Trên thực tế thì không phải trường tốt là 100% giáo viên cũng dạy giỏi.

“Dạy nâng cao phụ thuộc vào trình độ học sinh, nhưng với những kiến thức cơ bản thì giáo viên nào cũng có thể truyền đạt được. Vấn đề cốt lõi ở đây không phải là chọn trường, chọn lớp, chọn thầy cô mà quan trọng với các bậc phụ huynh cần biết con mình năng lực đến đâu” – vị hiệu trưởng nói.

Chung quan điểm này, cô giáo Nguyễn Thu Hường (trường THCS Sơn Lộc, Sơn Tây, Hà Nội) cho biết thêm: Cùng làm trong môi trường giáo dục nên có nhiều cô rất khéo tạo dựng thương hiệu cho mình. Mặc dù năng lực những giáo viên ấy đồng nghiệp không đánh giá cao, nhưng học trò lại thích học. Vì sao ư, bởi cô biết cách “dỗ” học sinh.

“Giáo viên nào nghiêm khắc, bắt học sinh làm nhiều bài tập, chấm điểm khắt khe, ắt học sinh sẽ ghét. Giáo viên nào chấm rẻ, không gò học sinh vào khuôn phép, chắc chắn chúng thích. Nhiều đồng nghiệp của tôi hiện nay để con học đúng theo khả năng của mình, không cố ép con thi vào trường chuyên, lớp chọn. Bởi bản thân chúng tôi cũng nhận thức rõ, kiến thức ở trường không quyết định sự thành bại của con sau này. Điều quan trọng không kém đó là dạy con kỹ năng sống” – cô Hường nói.

Theo quan điểm của cô Hường, không nên cố gò con mình vào môi trường quá khả năng của trẻ. Năng lực con mình ở lớp trung bình nhưng cứ cố cho con vào lớp toàn bạn giỏi, bản thân trẻ sẽ cảm thấy áp lực khi chúng trở thành đứa kém cỏi. Điều này vô hình chung khiến trẻ tự ti hơn.

“Điều cần nhất ở một giáo viên đó là cái tâm, sự nhiệt tình. Bố mẹ nếu có chọn thì nên chọn giáo viên như thế. Bởi chỉ giáo viên đặt lợi ích của trẻ lên trên, biết quan tâm, biết chính xác năng lực của từng học trò để điều chỉnh phương pháp dạy phù hợp cho mỗi đối tượng thì việc dạy mới thực sự hiệu quả” – cô Hường bày tỏ.

Mất nhiều hơn được

Trao đổi về vấn đề này, Ths tâm lý Nguyễn Hà Thành cho biết: Tôi từng có thời gian tham gia công tác giảng dạy tại trường ĐH KHXH & NV; trường PFT đồng thời tôi cũng có con đang độ tuổi đến trường nên phần nào hiểu tâm lý của nhiều bậc phụ huynh khi chạy đua chọn trường chọn lớp cho con.

Họ đều mong đợi con mình được học ở trường có danh tiếng, được giáo viên giỏi kèm cặp. Âu cũng là lý do chính đáng. Tuy nhiên, theo tôi cha mẹ không nên chú trọng đến việc này.

“Cha mẹ bằng mọi cách cho con vào một trường mà theo họ là danh giá nhưng cách nhà hơn 10km, vậy là trẻ phải ra khỏi nhà từ tờ mờ sáng và trở về khi trời đã nhá nhem. Ăn vội ăn vàng rồi lại tiếp tục ôn bài. Vậy thời gian đâu cho trẻ nghỉ?” – Ths Hà Thành phân tích.

Trong khi trẻ giành quá nhiều thời gian cho việc di chuyển để đổi lấy môi trường học mà theo bố mẹ là lý tưởng nhưng với cái nhìn của một chuyên gia tâm lý Ths Hà Thành lại cho rằng, trẻ sẽ mất nhiều hơn được.

Đó là khi trẻ bị cô đơn một mình trong môi trường mình sinh sống. Về nhà trẻ sẽ không có cơ hội kết bạn cùng xóm để chơi, cũng chẳng còn thời gian mà kết bạn. Vậy là ngoài bạn ở trường, về nhà trẻ lủi thủi trong chính ngôi nhà của mình. Trong khi đó, ở độ tuổi học sinh lớp 6 thì nhu cầu giao lưu, kết bạn quan trọng chẳng kém việc học tập.

“Tôi thích và rất ủng hộ cách để trẻ cùng một khu vực học một lớp, một trường. Ở đó sẽ có những trẻ xuất sắc, có những trẻ vừa phải thậm chí có những trẻ cá biệt. Ấy chính là cách để trẻ nhận ra sự đa dạng của xã hội, có bạn học giỏi nhưng cũng có bạn học kém, có bạn học không giỏi nhưng các môn thể dục, nghệ thuật lại xuất sắc.

Thậm chí trong quá trình học, chơi cùng nhau chúng sẽ biết bạn này nhà giàu nhưng học kém, bạn kia nhà nghèo nhưng học giỏi… Chính từ những cá nhân cụ thể ấy sẽ giúp cho trẻ hiểu thêm về thế giới bên ngoài, từ đó tác động đến nhận thức, giúp trẻ hình thành nhân cách” – Ths Hà Thành nói.

Các bậc phụ huynh không nên cho rằng “ gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” để cố tìm mọi cách cho con vào lớp mà toàn bạn ngoan, bạn học giỏi. Đây là quan niệm theo Ths Hà Thành là hết sức sai lầm. Bởi với lối tư duy bảo bọc con quá kỹ này, vô hình chung cha mẹ đã biến trẻ thành những “chú gà công nghiệp” thực thụ. Không thể phủ nhận, nếu trẻ có tố chất lại được học với giáo viên tốt, chất lượng có thể nâng cao hơn, nhưng chắc chắn những đứa trẻ này sẽ bị khiếm khuyết về mặt nhận thức.

Các chuyên gia nhấn mạnh, không nhất thiết phải chọn trường tốt hay giáo viên tốt. Bởi khi trẻ không có động lực, không ham mê học thì cũng không giúp chúng hào hứng với việc học này. Vì thế cha mẹ thay vì cuốn theo cơn lốc chạy trường, chạy lớp chạy thầy cô thì trước hết hãy chính là giáo viên của con mình, biết rõ năng lực con mình ở đâu để đặt trẻ vào đúng chỗ phù hợp.