Theo ThS. Phạm Thị Cúc Hà, chuẩn bị cho con vào lớp 1 là một quá trình lâu dài chứ không phải chờ đợi đến khi bé 5 tuổi mới dạy con thế này, dạy con thế kia, nhồi nhét kiến thức, học chữ, rèn chữ, học toán....
ThS. Phạm Thị Cúc Hà
Tạo cho con.... sức chịu đựng
PV: Vậy theo bà, điều gì là quan trọng nhất bố mẹ cần trang bị cho bé trước khi bước vào lớp 1?
ThS. Phạm Thị Cúc Hà: Quan trọng nhất là chúng ta phải chuẩn bị được sức chịu đựng cho trẻ để trẻ có thể đáp ứng được sự thay đổi.
Đầu tiên là kỹ năng vệ sinh và kỹ năng tự phục vụ. Điều này tưởng rất đơn giản nhưng nhiều bé không thể làm được. Ví dụ như: tự đi vệ sinh, làm vệ sinh cá nhân, tự ăn, uống nước khi khát, cất sách vở...Ngoài ra, kỹ năng vận động tinh cũng cần được trang bị trước, đây là điều kiện tối thiểu, ví dụ như cầm bút như thế nào, ngồi học đúng tư thế, cầm kéo cắt thủ công...
Bênh cạnh đó, trẻ cần biết cách tự giải quyết vấn đề. Ví dụ, khi con đưa cho mình một cốc nước nóng, con nói “mẹ ơi cốc nước này nóng quá” phản ứng của phụ huynh thường sẽ là “đưa mẹ đổ thêm nước nguội cho”, hoặc thổi cho nguội giúp con. Trong khi chúng ta làm như thế thì vô hình chung chúng ta lấy mất đi cách giải quyết vấn đề của trẻ. Ở trường khi không có mẹ, bé sẽ phải tự làm điều này mà giáo viên không thể giúp được.
Cần chuẩn bị sức chịu đựng cho trẻ trước sự thay đổi lớn
Chọn môi trường phù hợp với con
PV: Để chuẩn bị cho con vào lớp 1, nhiều ông bố bà mẹ đang ra sức chạy đua để dành suất vào các trường điểm, chất lượng cao bất chấp học phí và sĩ số đông với hi vọng con sẽ được giáo dục tốt nhất, bà nghĩ sao về điều này?
ThS. Phạm Thị Cúc Hà: Cho con vào trường điểm, trường top, chất lượng cao...không sai, nhưng sai lầm là ở chỗ cha mẹ chưa xác định được những môi trường đó có thực sự phù hợp với con mình không?
Bố mẹ không nên chọn trường quá sức với kinh thế gia đình. Những stress trong việc kiếm tiền để chạy trường, trang trải học hành cho con ở các trường “top” của bố mẹ sẽ dần ảnh hưởng tới trẻ trực tiếp hoặc gián tiếp.
Bố mẹ cũng cần biết định hướng giáo dục của trường xem có phù hợp với con mình không? Nếu xác định rằng mình không có nhiều thời gian cho con thì chúng ta tìm đến một môi trường mà con sẽ được hoạt động văn hóa nhiều hơn. Hoặc, nếu con có năng khiếu tiếng Anh thì bố mẹ nên cho con học trường song ngữ để trẻ tự tin phát triển. Không có môi trường đúng, môi trường sai chỉ có môi trường phù hợp với con mình hay không thôi.
Dành 30 phút cho con mỗi ngày
PV: Ngoài việc chọn trường, trang bị cho con những kỹ năng, theo bà bố mẹ cần làm gì giúp con trong giai đoạn chuyển giao từ mầm non lên tiểu học?
Thạc sỹ Phạm Thị Cúc Hà: Khi con vào lớp 1, điều mà chúng ta cần làm nhất là phải luôn sát cánh cùng con. Mỗi ngày cần dành cho con ít nhất 30 phút cùng học, cùng chơi, hay đơn giản chỉ là trò chuyện để con bớt áp lực với việc thay đổi môi trường học mới.
Cần xác định một lịch trình đánh giá hàng ngày, hàng tuần đối với con để con thấy được thành quả cố gắng của mình từ những việc nhỏ nhất như tự dọn bàn ăn, quét nhà đến đến việc học tập tập tô được 1 trang, làm được 3 bài toán... Những điều đó sẽ tạo cho trẻ nề nếp để cho trẻ vững vàng và tự điều tiết thời gian biểu của mình về sau.
Học chữ... chưa cần thiết
PV: Vẫn là vấn đề còn gây tranh cãi, nhiều phụ huynh sợ con “đuối” khi vào lớp 1 mà ra sức ép con đi học chữ, học tính toán thành thạo từ 5 tuổi, bà nghĩ gì về điều này?
ThS. Phạm Thị Cúc Hà: Như tôi đã nói, việc học chữ trước lớp 1 là không cần thiết. Trẻ hết mầm non chỉ cần làm quen với chữ cái, con số, biết đọc từ trái sang phải, biết cầm bút đúng cách...là đủ.
Tôi cũng chia sẻ luôn là bố mẹ hãy bỏ qua chuyện làm thế nào cho con viết được vở sạch, chữ đẹp. Tôi thấy, để viết được chữ đẹp khó vô cùng. Trẻ phải căn chuẩn dòng, cỡ chữ, lúc thì viết hoa, lúc viết nghiêng, lúc bút bi, lúc bút mực cặm cụi để chữ được đẹp, chuẩn. Bố mẹ thử làm xem có khó không? Cận thị học đường theo tôi cũng từ đó mà ra.
Trân trọng cảm ơn bà!