Dân Việt

Những “đại gia” nghệ thuật đứng sau Nguyễn Đức Vĩnh

08/04/2015 14:18 GMT+7
Chưa từng có tiền lệ nào như thế, rằng một cậu bé 8 tuổi như Đức Vĩnh lại có thể khiến những tên tuổi lớn quan tâm ưu ái đặc cách đến thế.

"Đại gia" ở đây không phải là những người giàu tiền giàu bạc, mà là những người giàu tình yêu với văn hóa di sản cha ông. Họ đã bị cậu bé Đức Vĩnh 8 tuổi này "mê hoặc" và đã tình nguyện vô tư giúp đỡ, hướng dẫn mà không có bất kỳ đòi hỏi trả công nào để Đức Vĩnh có những buổi diễn thành công. 

img Đức Vĩnh trong tiết mục "Ông già cõng vợ đi xem hội"

Nhỏ bé thế này thì làm sao diễn Tuồng?

NS Kiều Oanh vẫn ấn tượng mãi lần đầu gặp Đức Vĩnh vào giữa tháng 3/2015. Hai mẹ con Đức Vĩnh lặn lội từ Quế Võ, Bắc Ninh đến ngồi chờ cô hàng giờ ở quán nước đầu ngõ để xin cô chỉ dạy tiết mục này. “Lúc hai mẹ con dắt nhau lên nhà, tôi bật cười và bảo cậu bé bé tý thế này thì làm sao mà làm được ông già đi hội đây”. Đức Vĩnh bèn đứng lên biểu diễn lại trích đoạn “Ông già cõng vợ đi hội” của NS Kiều Oanh mà em đã xem trên mạng.

img

NS Kiều Oanh và Đức Vĩnh

Tài năng thiên bẩm, sự thông minh hiếm có cùng niềm đam mê của Đức Vĩnh đã khiến Kiều Oanh cảm động, cô liền đồng ý và buổi ra mắt cũng là buổi học đầu tiên của Vĩnh. 

Buổi thứ 2, Đức Vĩnh được mẹ đưa đến rạp Hồng Hà để trực tiếp xem và quay clip trích đoạn do NS Kiều Oanh biểu diễn. “Hôm đó, mình phải diễn rất tỉ mỉ, chi tiết và rất kỹ để mẹ Vĩnh quay clip rồi mang về hai mẹ con ôn luyện thêm”, chị Kiều Oanh chia sẻ.

Hàng loạt đặc cách được vô tư dành cho Đức Vĩnh

Một tiết mục đã trở thành kinh điển thì việc rút ngắn từ 15 phút xuống còn có 6 phút để Đức Vĩnh đi thi Vietnam’s Got Talent không phải là chuyện đơn giản. NS Kiều Oanh không dám tự tiện làm mà phải đến nhà NSND Đàm Liên để xin phép và nhờ bà biên tập rút ngắn. Chỉ có Kiều Oanh mới thuyết phục được NSND Đàm Liên – người đã có hơn 500 buổi biểu diễn vai này và cũng chỉ có NSND Đàm Liên mới đủ kinh nghiệm và sắc sảo để biên tập rút ngắn tác phẩm “con đẻ”.

img

NSND Đàm Liên trong vai "Ông già cõng vợ đi xem hội"

Đã ngoài 70, NS Đàm Liên đã truyền dạy vai diễn này cho rất nhiều nghệ sĩ, trong đó có cả những nghệ sĩ ưu tú, nhưng đến nay mới chỉ có NS Kiều Oanh khiến bà Đàm Liên hài lòng vì “tôi có thể dạy tất cả những động tác của tôi nhưng sự cảm thụ từ trái tim, từ tâm hồn để nhập tâm và để tạo nên thần thái thì không thể truyền thụ được”. Và mới chỉ có Kiều Oanh là có được thần thái đó của NS Đàm Liên.

img

Ns Kiều Oanh trong tiết mục "Ông già cõng vợ đi xem hội"

Để chuẩn bị cho tiết mục của Đức Vĩnh, Nhà hát Tuồng Việt Nam đã phải thay đổi chương trình biểu diễn của nhà hát khi cho phép 6 nghệ sĩ gạo cội bay vào TP HCM để hỗ trợ (gồm NS Kiều Oanh làm giảng viên, NSUT Ngọc Khánh-kèn tuồng, NSUT Đức Mười-trống tuồng, NS Quang Cường, Đình Nam, Văn Quyết đóng vai phụ hỗ trợ). Mới đây, NS Kiều Oanh vừa phải từ chối và hủy vé chuyến đi Pháp do Bộ VHTT&DL tổ chức vì vướng các hợp đồng biểu diễn của Nhà hát. Nhưng lần này Nhà hát tạo mọi điều kiện cho Kiều Oanh và ê kíp vào giúp Đức Vĩnh để thấy rằng Nhà hát đã bị một cậu bé 8 tuổi “mê hoặc” đến mức nào.

NS Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát đã nói với 6 nghệ sĩ trước khi họ lên đường rằng “đây là không chỉ trách nhiệm riêng của nhóm mà là bộ mặt của nhà hát và cơ hội mang Tuồng đến gần với công chúng hơn vì vậy phải đảm bảo chất lượng và làm những gì tốt nhất cho Đức Vĩnh”.

Ấn tượng về sự đam mê học hỏi của Đức Vĩnh

“Trong nghệ thuật tuồng, mỗi một chi tiết, một cử chỉ động tác đều có ý nghĩa của nó. NSND Đàm Liên đã chỉ bảo tôi tận tình từng chi tiết, động tác nhỏ một vì phải hiểu rõ ý nghĩa từng hành động của mình làm thì mình mới thể hiện được cho khán giả hiểu được. Vì thế, tôi nghĩ rằng nếu là tiết mục thi tài năng thì mình phải dồn cho cháu tất cả những gì tinh hoa nhất của NS Đàm Liên, của tôi và của môn nghệ thuật Tuồng để khán giả phải cảm nhận được sự đặc sắc riêng có so với các bộ môn khác”, NS Kiều Oanh tâm sự đầy tâm huyết.

img

Đức Vĩnh trong buổi tập với Ns Kiều Oanh

 Cái khó của tiết mục này là phép phân thân, cùng lúc phải đóng 2 nhân vật. Tay cầm quạt che miệng để nói giọng ông già nhưng mắt thì lại phải lúng liếng diễn vai cô gái trẻ, chân thì phải đóng vai của ông già. Làm sao để phân thân như vậy thì là cả một vấn đề.

Đức Vĩnh học rất chăm chỉ, học mọi lúc mọi nơi thậm chí cả lúc ăn, Vĩnh cũng tập cười rồi hỏi cô Kiều Oanh “cháu cười như thế được chưa?”. Có hôm tối muộn, Đức Vĩnh còn đòi ngủ lại cùng cô Kiều Oanh để được học tiếp. Trong lúc tập, mẹ Vĩnh luôn quay clip để khi về Vĩnh xem lại rồi tự luyện.

img

Đức Vĩnh được NS Kiều Oanh hóa trang đậm chất Tuồng và sử dụng phụ kiện của chính mình

 Một trong những cái khó của tiết mục này với Đức Vĩnh còn là điệu cười, lúc đầu Vĩnh bị pha nụ cười của vai diễn Xúy Vân. “Nụ cười của Xúy Vân là nụ cười điên dại còn nụ cười của cô gái đi hội là cười trong sáng ngây thơ, lúng liếng. Nếu bị lẫn là sẽ hỏng vai diễn. Nhưng khi nghe tôi phân tích thì cháu đã tiếp thu rất nhanh”, NS Kiều Oanh tấm tắc.

“Sự ham học của cháu như một ngọn lửa tiếp đam mê cho tôi. Tôi chưa từng thấy một đứa bé 8, 9 tuổi thôi mà đã dám dấn thân vào môn nghệ thuật này. Nhất là vai diễn này vì nó đòi hỏi phải có sự duyên dáng của cô gái trẻ và sự trải nghiệm của một ông già. Thế mà tất cả phải có trong một đứa trẻ 8 tuổi”, Ns Kiều Oanh chia sẻ.

Tia sáng khơi dậy tình yêu với nghệ thuật truyền thống

Chưa từng có tiền lệ nào như thế, rằng một cậu bé gia đình không hề khá giả lại có thể khiến những nghệ sĩ nổi tiếng nhất trong giới nghệ thuật truyền thống về Chèo, Tuồng quan tâm ưu ái đến thế.

NS Thanh Ngoan (hướng dẫn tiết mục Cô đôi thượng ngàn), NS Thuý Ngần (hướng dẫn tiết mục Xúy Vân giả dại), Ns Kiều Oanh cùng ê kíp của Nhà hát Tuồng Việt Nam đều sẵn lòng tận tình chỉ bảo Đức Vĩnh. Tất cả chỉ vì họ bị “mê hoặc” bởi tài năng và niềm đam mê của em. Bằng sự giúp đỡ vô tư đó, những người làm nghệ thuật truyền thống dân tộc chỉ mong mỏi có một điều là chứng kiến em thành công và sẽ đi con đường dài với nghệ thuật truyền thống.

Thành công bước đầu đã có nhưng đi đường dài mới khó dù thảm đỏ đã được trải ra. Mong rằng với sự yêu thương của mọi người, Đức Vĩnh sẽ có được những điều tốt đẹp nhất.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng nói: “Trong đời sống hối hả thực dụng hôm nay, không phải ai cũng thích Tuồng. Nhưng dù ngay cả những người không thích Tuồng, họ vẫn mê Đàm Liên, vì Đàm Liên, họ đến với nghệ thuật Tuồng. Đấy mới là điều lạ!”. 

Và hôm nay chúng ta đang chứng kiến thêm một điều lạ nữa nhờ một cậu bé mới 8 tuổi: Đức Vĩnh!