Dân Việt

Từ vụ Giám đốc Đài PTTH bị đình chỉ: Đòi hỏi cao ở người đứng đầu

27/06/2013 08:57 GMT+7
(Dân Việt) - Việc Giám đốc Đài PTTH tỉnh Thái Bình bị tạm đình chỉ công tác do lơ là chỉ đạo tuyên truyền phòng chống bão số 2 cho thấy, người dân đang đòi hỏi cao hơn ở người đứng đầu.

Thông tin Giám đốc Đài PTTH tỉnh Thái Bình bị tạm đình chỉ công tác do lơ là chỉ đạo tuyên truyền phòng chống bão số 2 trên kênh truyền hình địa phương đã gây chú ý của dư luận. Qua vụ việc này, cũng như những lần kỷ luật một số cán bộ trước đó, có thể thấy người dân đang đòi hỏi cao hơn ở người đứng đầu.

Dính “bão” sau bão

Liên quan đến việc ông Vũ Anh Thao - Giám đốc Đài PTTH tỉnh Thái Bình bị kỷ luật, theo giải thích của bà Cao Thị Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình: Ngày 22.6, Ban Chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình tổ chức họp các cá nhân, đơn vị liên quan để bàn cách đối phó với cơn bão số 2. Tuy nhiên, trong cuộc họp này ông Thao vắng mặt và ủy thác cho cấp phó dự thay (ông Thao là thành viên Ban Chỉ huy PCLB của tỉnh). Sau đó, khi lãnh đạo tỉnh trực tiếp về địa phương kiểm tra, người dân phản ảnh qua theo dõi trên sóng Đài PTTH Thái Bình không nhận được thông tin về cơn bão nên chủ quan trong việc đề phòng, sơ tán chống bão. “Như vậy là thông tin tuyên truyền không kịp thời tới người dân, đó rõ ràng là thiếu sót” - bà Phó Chủ tịch tỉnh khẳng định.

img
Tuyến đê biển tại huyện Cát Hải, Hải Phòng sạt lở do bão số 2.

Cũng theo bà Hải, UBND tỉnh đã giao Thanh tra tỉnh xem xét về kế hoạch tuyên truyền phòng chống bão cụ thể của Đài PTTH Thái Bình. Trên cơ sở kết luận của thanh tra, Thường vụ Tỉnh ủy sẽ cho ý kiến trước khi đưa ra Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh quyết định hình thức kỷ luật đối với ông Thao.

Từ trường hợp ông Giám đốc Đài PTTH tỉnh Thái Bình, điểm lại cũng thấy không ít các cán bộ đã dính “bão” sau những trận bão, phải chịu kỷ luật do những sai sót mặt này mặt khác trong công tác phòng chống bão…

Trước đó nửa năm, vào tháng 12.2012, khi cơn bão số 8 (bão Sơn Tinh) đổ bộ vào TP.Hải Phòng, Giám đốc Sở GTVT TP. Hải Phòng Đàm Xuân Lũy cũng đã bị kỷ luật ở mức khiển trách vì đã thiếu trách nhiệm trong việc không trực chỉ đạo khi cơn bão đổ bộ vào đất liền. Cụ thể, khi bão đổ bộ vào địa bàn, lãnh đạo TP.Hải Phòng đã không thể liên lạc điện thoại được với ông Lũy để chỉ đạo công tác. Cũng liên quan tới vụ việc này, còn có 3 quan chức khác của Sở GTVT Hải Phòng cũng bị khiển trách vì lỗi tương tự…

Vai trò người đứng đầu

Theo thống kê, Việt Nam mỗi năm phải đón nhận đến cả chục cơn bão, lũ, với thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng, kèm theo rất nhiều sinh mạng con người. Nếu làm tốt công tác phòng chống thiên tai, chắc chắn thiệt hại sẽ được giảm xuống tối đa. Ông Nguyễn Ngô Hai - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, chia sẻ: “Thời tôi còn làm Bí thư Tỉnh ủy, cứ khi nào có thông tin về bão lũ thì mọi công việc họp hành đều phải tạm gác lại. Chống bão lũ, hỏa hoạn phải là ưu tiên số 1 vì chỉ cần chậm trễ chút thôi cũng có thể gây ra hậu quả khôn lường, đặc biệt là thiệt hại cho tính mạng của nhân dân”.

Ông Hai cũng cho rằng, những lúc nước sôi lửa bỏng, sự đòi hỏi về trách nhiệm người đứng đầu cao hơn, họ phải có mặt ở những điểm nóng. "Anh ở đó không chỉ để nắm bắt tình hình, chỉ đạo công việc mà còn tạo niềm tin cho người dân là họ luôn được Nhà nước lo lắng, quan tâm"- ông Hai nói và dẫn chứng hình ảnh nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Huy Ngọ năm nào đi chống bão... Theo ông, hình ảnh ông Lê Huy Ngọ với chiếc mũ cối và áo mưa dã chiến trong màn mưa tầm tã, luôn có mặt để chỉ đạo tại những điểm nóng trong những cơn bão dữ đã trở thành một hình ảnh đẹp trong lòng người dân, hình ảnh về một vị quan biết lo cho dân.

Ông Vũ Anh Thao cho biết, nguyên nhân ông bị tạm đình chỉ được biết là do tuyên truyền không kịp thời về cơn bão số 2. Ông cũng nói thêm, bản tin vẫn khá dày dặn, nhưng ý của lãnh đạo là ngoài phát công điện thì còn phải cập nhật thông tin khác, nhưng đài lại chỉ đưa công điện không. Cái nữa là quan hệ với VTV hạn chế, nên VTV đưa tin (về bão) ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định nhưng không đưa tin ở Thái Bình”.

Một chuyên gia về phòng chống lụt bão, thiên tai khi chia sẻ với NTNN cũng khẳng định, công tác phòng chống lụt bão không khác gì một trận chiến, nhất thiết đòi hỏi phải có sự phối hợp, hiệp đồng tác chiến của nhiều đơn vị, nhiều cánh quân.

Và để có được sự hiệp đồng tác chiến thông suốt, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị hết sức quan trọng. “Nếu anh không đề cao trách nhiệm cá nhân của mình trong những tình huống khẩn cấp, xả thân vì sự an nguy của nhân dân thì rõ ràng, trách nhiệm mà Nhà nước đặt trên vai anh, niềm tin mà người dân trao cho anh đã bị nhầm chỗ. Bởi đôi khi, chỉ một hành động vô trách nhiệm của anh có thể sẽ phải đổi bằng tính mạng của không biết bao nhiêu người” - chuyên gia này nhấn mạnh.

Năm 2011, tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra vào khoảng 10.000 tỷ đồng. Năm 2012 vừa qua, nước ta chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão lớn và các loại thiên tai khác như áp thấp nhiệt đới, lũ, lụt, mưa đá… gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho nhiều địa phương trên cả nước. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2012 trên 7.000 tỷ đồng.