Dân Việt

Còn nhiều nước mắt trong gia đình

27/06/2013 06:42 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là nhận định của bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết – Giám đốc Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ (Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Gia Lâm, Hà Nội) - người đàn ông hiếm hoi làm tư vấn về bạo lực gia đình.

Nhân Ngày gia đình Việt Nam 28.6, ông Quyết chia sẻ với NTNN về thực trạng nạn bạo hành gia đình với tâm trạng đau xót và sự bất lực vì chưa thể giúp các nạn nhân thoát khỏi cảnh khổ này.

Tâm thần vì bị chồng đánh

Khi tôi đến, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết đang tư vấn cho một “người em gái”. Chị là Đỗ T.L (45 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội), lấy chồng đã gần 20 năm, có 3 đứa con. Chị bị nhà chồng coi thường, chửi mắng, miệt thị suốt ngày. Chồng chị thì thường chê bai, đánh đập vợ.

Cách đây 8 năm, sau khi bị chồng đánh, chị đã đến khám tại trung tâm, xin tư vấn, giúp đỡ. Từ đó đến nay, hễ gia đình có chuyện gì mâu thuẫn, chị lại tìm đến, xin gặp bác sĩ Quyết, kể lể, huyên thuyên đủ chuyện, hỏi vu vơ mà không cần câu trả lời rồi về. “Bị bạo lực trong một thời gian dài nên chị L đã có các dấu hiệu rối loạn tâm thần. Cứ ở trong nhà một thời gian là cô ấy như cái đập nước bị chắn, phải tìm đến trung tâm để xả” – ông Quyết cho biết.

img
Những người bị bạo lực gia đình rất dễ có các dấu hiệu rối loạn tâm thần (ảnh minh họa).

Ông Quyết phân tích, những người phụ nữ sau khi chịu bạo hành gia đình từ 10 năm trở lên thường bị suy sụp tinh thần, nói không đầu không cuối, quên quên, nhớ nhớ. Lúc nào họ cũng sợ hãi người khác làm hại họ, coi thường và sợ chồng sẽ đánh họ đến chết mà không ai biết.

“Tôi thực sự phẫn nộ khi nhiều lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách cho rằng chỉ khi bạo lực làm cho máu chảy, chân tay gãy nát thì mới nghiêm trọng. Nhưng họ không biết là bạo lực gia đình đã hủy hoại cuộc đời một con người như thế nào. Cần gì có máu chảy, xương gãy, cũng chẳng cần có nước mắt, nhưng bạo lực có thể “xóa sổ” hạnh phúc và sự sống của người phụ nữ. Họ chỉ còn là cái bóng, là một kẻ cam chịu nơi xó bếp, họ không được tôn trọng, không được yêu thương, không được làm việc mình muốn, thậm chí không được nói” – ông Quyết bức xúc.

Từ năm 2002, trung tâm đã tư vấn, can thiệp cho khoảng 25.000 phụ nữ bị bạo lực. Ông Quyết ước tính khoảng 5% trong số những người bị bạo lực gia đình trên 10 năm đã có các dấu hiệu rối loạn tâm thần. Hàng trăm chị đã đến trung tâm không dưới 100 lần, chỉ để được có người rót nước cho uống, được nói, được hỏi han, quan tâm và có một người lắng nghe.

“Khủng bố” cả bác sĩ

Ông Quyết cho biết, không ít lần, chính ông cũng bị những người chồng, người cha tìm đến gây sự và dọa cho ăn đấm. Họ cho rằng chính ông Quyết đã nhồi sọ vợ con họ khiến cho những người phụ nữ cam chịu, nhẫn nhịn bỗng biết cách “nói lý luận” và phản kháng. Họ cũng cho rằng chính vì ông mà vợ con họ dám bỏ nhà ra đi, dám viết đơn tố cáo chồng lên cơ quan, chính quyền. Có những lần ông xuống tận nơi để gặp người chồng vũ phu để xin “nói chuyện đàn ông”, ông Quyết cũng gặp phải sự chống đối dữ dằn của họ. “Tôi luôn biết cách “hạ hỏa” để nói chuyện phải trái. Còn những trường hợp không hợp tác, tôi đều phải yêu cầu chính quyền kiên quyết can thiệp, bảo vệ an toàn cho vợ con của anh ta”- ông Quyết chia sẻ.

Bác sĩ Quyết nhớ nhất trường hợp cô gái từ Thái Nguyên bị người chồng vũ phu chém đứt cánh tay. Anh ta bị đi tù nhưng cô cũng bị gia đình chồng hắt hủi. Cô đến trung tâm xin tư vấn rồi về tá túc ở chùa Bồ Đề. Được hơn 1 năm thì cô về nhà. Nhưng chưa được bao lâu thì ông Quyết nghe tin cô gái đã tự tử. “Đó là nỗi day dứt không nguôi của tôi, là sự bất lực của người làm tư vấn”- ông nói.

25% trong số hơn 25.000 ca bạo lực gia đình đã qua trung tâm tư vấn phải tìm đến sự giải thoát bằng ly hôn. Theo ông Quyết, đó là thành công vì người phụ nữ đã có thể tự quyết cuộc đời mình. Khoảng 35% có tiến triển tốt vì người phụ nữ đã được trang bị kiến thức, có khả năng điều đình, biết nói lý lẽ phải trái với chồng, khiến chồng họ phải “nể” mà lùi bước. Nhưng vẫn có đến 40% số trường hợp ông Quyết cảm thấy hoàn toàn bất lực. Họ không thể thay đổi được người chồng, cũng không tìm ra lối thoát cho mình.

Có rất nhiều lý do khiến chị em bị bạo lực mà không dám phản kháng, cũng không thể tự giải thoát cho mình. Họ không có nơi tá túc, không công việc hoặc thu nhập thấp. Nếu họ ly hôn hay phản kháng thì sẽ bị chồng đuổi ra khỏi nhà, mất con. Trong khi đó, luật pháp và phong tục vẫn còn có quá nhiều điều “bảo hộ” cho cái quyền lực của người đàn ông. Phụ nữ ly hôn rất dễ trở thành “vô sản” nên họ thà chịu đánh đập còn hơn mất nhà, mất con” – ông Quyết cho biết. Theo ông Quyết, để giải quyết bạo lực gia đình, luật pháp cũng như cộng đồng cần phải có nhiều giải pháp để bảo vệ quyết liệt hơn quyền lợi của phụ nữ.