Mắt mờ, chân chậm vẫn đi vận động bà con
Nhà ông Thực ở thôn Hòa Trúc, không khó để chúng tôi có thể tìm được bởi giờ ông đã khá nổi tiếng. Theo lời của dân làng nơi đây, tuy ông Thực mắt đã mờ, chân đã chậm, lại thường xuyên đau ốm do vết thương từ hồi tham gia chiến trường để lại, nhưng thường ngày không quản mưa gió, ông vẫn đến từng gia đình trong xóm để tuyên truyền về xây dựng NTM.
Ông Thực từng là thanh niên xung phong, sửa chữa cầu đường khu vực chiến trường ác liệt từ Thanh Hóa trở vào thành cổ Quảng Trị. Ông đã bị thương năm 1970, trong một lần bom Mỹ rải thảm trên tuyến đường ông phụ trách. Đến tháng 4.1975, về địa phương, ông còn mang trong mình mảnh bom với những cơn đau hành hạ. “Hơn 45 năm mảnh bom nằm trong người tôi, mỗi khi đi lại, làm công tác địa phương, mảnh bom ấy gây đau nhức lắm nhưng tôi vẫn chịu được. Quan trọng là hoàn thành nhiệm vụ và được bà con tin yêu là tôi vui rồi” – ông Thực vui vẻ nói.
Ông Thực cũng cho biết, hơn 20 năm làm Chi hội phó Chi Hội ND thôn, rồi Chủ tịch Hội Thanh niên xung phong, cựu chiến binh xã, công việc thường xuyên phải đi lại, hội họp rất vất vả nhưng chưa một lần ông nhận được khoản trợ cấp hay lương từ nhà nước cũng như tiền của địa phương.
Nghèo vẫn hiến đất tiền tỷ
Những đóng góp trên mới chỉ là việc nhỏ. Cống hiến lớn nhất của bản thân ông Thực và gia đình là đã tự nguyện hiến hơn 1.000m2 đất, trị giá hàng tỷ đồng để địa phương làm đường giao thông nội đồng. Nói về việc mình làm, ông Thực bảo: “Nói ra tưởng lớn nhưng chẳng có gì đáng kể đâu. Tôi là vừa là cán bộ, vừa trực tiếp xuống đồng sản xuất nên hiểu được nỗi khổ của người dân trong thôn mỗi khi đưa vật tư, máy móc xuống đồng mà không có đường thấy vất vả quá. Tôi hiến đất trước, rồi vận động bà con hiến sau mới được, chứ ai cũng cứ nghĩ cho cá nhân thì khi nào mới có đường”.
Ông Hoàng Hồng Quân – Trưởng thôn Hòa Trúc cho biết: “Với hộ giàu có, hiến số đất đến cả hàng tỷ đồng đã khó vận động, huống hồ với một gia đình hoàn cảnh như ông Thực. Số tiền đó càng có ý nghĩa bởi nhà ông Thực có tới 10 khẩu, trong đó có một người con bị bệnh bẩm sinh, bản thân ông cũng thương binh, đau ốm luôn, phải lo từng miếng cơm, manh áo cho vợ, con. Tuy nhiên, vì lợi ích chung, ông vẫn tự nguyện hiến đất”.
Theo ông Quân, từ năm 2012, xã triển khai Chương trình xây dựng NTM. Bước đầu khi đi rà soát hiện trạng của địa phương, mới thấy chồng chất khó khăn, làm cán bộ, lãnh đạo cũng thấy nản nhưng vẫn quyết tâm bắt tay vào khắc phục để làm. “Không ngờ cứ làm tới đâu là thuận lợi tới đó, nhất là việc chỉ đạo, tập huấn cho cán bộ nòng cốt thôn, xóm để về vận động, tuyên truyền cho người dân tại địa bàn khá suôn sẻ, điển hình là trường hợp ông Thực, làm gương hiến hơn 1.000m2 đất, sau đó vận động bà con trong thôn làm theo. Trong thời gian ngắn đã có trên 10.000m2 đất được bà con tự nguyện hiến để thôn có thể triển khai làm xong đường giao thông nông thôn và nội đồng” – ông Quân nói.
Ông Nguyễn Hồng Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Thạch cho biết: “Nhờ có sự gương mẫu, tiên phong đi đầu trong hiến đất làm đường giao thông của ông Thực và các hộ dân khác, chỉ trong thời gian ngắn xã đã huy động được hàng trăm hộ hiến với trên 20ha đất để làm đường và dồn điền đổi thửa”.
Chỉ sau gần 2 năm triển khai xây dựng NTM, nhờ sự đồng thuận của người dân, đến nay Hòa Thạch đã có bản đạt 16 tiêu chí NTM.