Dân Việt

Bàn tay chinh phục thế giới

27/06/2013 06:38 GMT+7
(Dân Việt) - Bước đi từ những làng quê nghèo và chọn học trường nghề để “nhanh có việc làm, giúp đỡ gia đình”, những chàng trai, cô gái có những đôi bàn tay vàng không nghĩ có ngày mình lại mang những đôi bàn tay ấy đi dự thi tay nghề ở tầm thế giới.

Luôn sáng tạo, phấn đấu

Với dáng vẻ nhỏ nhắn, cậu học sinh người dân tộc Thái đến từ huyện Tương Dương (Nghệ An) Nguyễn Văn Đông – hệ trung cấp, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ, kinh tế và chế biến lâm sản (Hà Nam) đã giành được Huy chương Đồng trong kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 9 (năm 2013) vừa qua với nghề mộc dân dụng. Đông cho biết, nghề này rất phổ biến ở nhiều làng quê Việt Nam và có không ít thợ giỏi. Tuy nhiên, khi thi tay nghề, em không chỉ đơn giản cầm bào cầm đục mà còn phải tự vẽ thiết kế sản phẩm và trực tiếp “thi công”.

img
Nhữ Thị Phương tham gia thi tay nghề.

Chia sẻ về bí quyết làm nghề, Đông nói: “Học sinh trường nghề ở Indonesia, Thái Lan thường thiết kế sản phẩm bằng công nghệ 3D, trong đề thi thông thường ở mình chỉ là công nghệ 2D. Khi đi thi, em được ôn luyện 5 tháng với những thiết bị công nghệ cao mà vẫn rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, đề càng khó thì càng thúc đẩy em phải sáng tạo và cố gắng phấn đấu hơn nữa”.

Sau khi Đông đoạt Huy chương Đồng, nhà trường đã liên hệ với Đại học Nông nghiệp xét đặc cách cho em vào học. Đông tâm sự: “Hiện học tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ, kinh tế và chế biến lâm sản thì em được miễn hoàn toàn tiền học phí vì thuộc đối tượng con em dân tộc và được trợ cấp 140.000 đồng/tháng. Cuối năm nay, em sẽ tốt nghiệp, dự định của em là mở xưởng tại nhà hoặc xin làm công ty. Em nghĩ học gì thì học cũng phải có tay nghề giỏi”.

Càng nhiều dịch vụ, càng đòi hỏi có “đẳng cấp”

Đó là quan điểm của Nhữ Thị Phương- thí sinh dự thi nghề dịch vụ nhà hàng. Hiện Phương là sinh viên Trường Cao đẳng Nghề du lịch và dịch vụ Hải Phòng; là thí sinh nữ duy nhất trong 13 thí sinh tham dự Hội thi tay nghề thế giới năm 2013. Em đã giành được chứng chỉ xuất sắc ở nghề này trong kỳ thi ASEAN năm 2012. Nhữ Thị Phương chia sẻ: Trong chương trình thi của nghề dịch vụ nhà hàng thì em thi trong vòng 4 ngày với 4 môdun gồm 14 – 15 kỹ năng nghề dịch vụ nhà hàng. Hai phần thi mà em cảm thấy khó vượt qua nhất: Một là, phân biệt 40 loại rượu, bởi trong thời gian học tại trường, em không được học: “Em đã được huấn luyện trong 5 tháng, phải rèn kỹ năng ngửi rượu để phân biệt rượu chứ không được… nếm” - Phương nói. Hai là, phục vụ tiệc VIP - nghĩa là tiệc của các nguyên thủ quốc gia. Phần thi này đòi hỏi người thi phải có đầy đủ các yếu tố về ngôn hình thể, cách giao tiếp khéo léo…

Phương hy vọng sẽ “chiến đấu” được ngang ngửa với các thí sinh ở khắp thế giới, khẳng định được bước tiến mới trong nghề dịch vụ nhà hàng ở Việt Nam.

Tiền thưởng giúp mẹ

Sinh ra trong gia đình nghèo khó có 3 anh em ở xã Yên Đồng (huyện Yên Mô, Ninh Bình), Phạm Văn Linh (sinh năm 1991) –Trường Cao đẳng Nghề cơ điện xây dựng Việt Xô (Ninh Bình) đã chọn con đường học nghề để đỡ tiền học cho mẹ. Linh kể: “Bố em mất sớm, nhà giờ chỉ có mình mẹ chật vật nuôi 3 anh em ăn học, quanh năm chỉ quanh quẩn bên mấy sào ruộng nên dù đỗ đại học em cũng không có tiền đi học. Sau đó, em quyết định học nghề, thời gian học sẽ ngắn hơn, có tay nghề vững vàng thì nhanh tìm được việc làm”- Linh nói.

Và rồi, cậu học trò chăm chỉ Phạm Văn Linh đã liên tiếp giành giải Nhất trong các kỳ thi tay nghề từ cấp trường tới quốc gia. Tại Hội thi tay nghề ASEAN năm 2012, Linh giành Huy chương Vàng ở nghề ốp lát tường và sàn. “Phần thưởng được 10 triệu đồng, cộng với trường thưởng thêm 2 triệu đồng, em trích một phần gửi về cho mẹ, số còn lại em tiết kiệm để trang trải cho năm học cuối”- Linh chia sẻ.

Linh cho biết, khi biết học sinh học nghề cũng có các cơ hội thi tài năng, em luyện tập rất chăm chỉ và được chọn đi dự thi tay nghề thế giới năm 2013. Linh nói: “Đợt thi này em sẽ giành được giải để vinh danh cho đội tuyển Việt Nam”. Trong tương lai, Linh hy vọng được ở lại trường làm giáo viên để “truyền lửa” học nghề cho học sinh.