Chủ trì hội thảo này có ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), ông Lại Xuân Môn – Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
Doanh nghiệp “đuối sức”, nông dân thiệt thòi
Lấy ví dụ cụ thể nhất, ông Nguyễn Hạc Thúy chỉ ra rằng: “Nông dân mua 1 tấn phân urê có giá 7,5 triệu đồng, họ sẽ được miễn thuế VAT 5% là 375 nghìn đồng, tuy nhiên vì DN không được hoàn thuế đầu vào nên giá thành đội lên 7,1-7,5%/tấn urê, tức 1 tấn giá sẽ tăng lên từ 530-560 nghìn đồng. Như vậy nông dân phải chi thêm 155-185 nghìn đồng/tấn urê, rõ ràng chịu thiệt hơn trước”.
Lý giải về điều này, FAV cho biết, khi triển khai Luật 71, phân bón thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, điều đó có nghĩa khi mua nguyên vật liệu và các dịch vụ đầu vào khác, các đơn vị sản xuất phân bón vẫn phải mua với giá có thuế GTGT đầu vào như trước; còn khi bán sản phẩm thì không cộng thêm thuế GTGT. Vì vậy, DN phải tính phần không được hoàn thuế GTGT đầu vào vào giá thành sản phẩm để xây dựng giá bán. Như thế giá thành sản xuất phân bón sẽ tăng tương đương với phần thuế GTGT đầu vào mà Nhà nước không hoàn lại cho DN.
Theo tính toán sơ bộ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), khi áp dụng Luật 71 Nhà nước không hoàn thuế GTGT đầu vào, giá sản xuất phân đạm ure tăng 7,62%, phân bón DAP tăng 7,8%, phân lân nung chảy tăng 8%. Năm 2015, chi phí tăng thêm của Vinachem sẽ khoảng 1.785 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Gia Tường – Tổng Giám đốc Vinachem: “Điều này làm giảm sức cạnh tranh về giá phân bón sản xuất trong nước so với phân bón nhập khẩu dẫn đến nhập khẩu phân bón tăng, làm tăng nhập siêu”.
Đồng tình với quan điểm đó, ông Nguyễn Đức Ninh – Phó Tổng giám đốc Công ty Đạm Hà Bắc nói: “Đạm Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) lên đến 7.000 tấn/ngày. Họ được hỗ trợ chi phí điện, hỗ trợ 50% phí vận chuyển và rất nhiều ưu đãi về thuế. Trong khi các công ty phân bón trong nước đều phải tăng chí phí sản xuất. Cụ thể công ty tôi năm 2015 chi phí tăng thêm 250 tỷ đồng. Vậy lấy gì để DN trong nước cạnh tranh với phân bón nhập khẩu?”
Đề nghị mặt hàng phân bón chịu thuế 0%
Để tháo gỡ một phần khó khăn cho DN sản xuất phân bón, ông Hoàng Văn Tại – Tổng Giám đốc Công ty CP Phân lân nung chảy Văn Điển kiến nghị: “Chuyển mặt hàng phân bón sang nhóm đối tượng chịu thuế suất 0%, đồng thời cho hoàn thuế GTGT các DN sản xuất, nhập khẩu đã đóng thuế trước (ứng trước) ngày 1.1.2015”
Đây cũng là kiến nghị của FAV và các DN sản xuất phân bón trong nước. Trong trường hợp chịu thuế suất 0% thì khi bán các sản phẩm, DN chỉ bán với giá bán trước thuế cộng với thuế GTGT bằng 0, nghĩa là số tiền thuế GTGT đầu ra DN phải nộp cho Nhà nước là 0 đồng và DN vẫn được Nhà nước cho hoàn lại thuế GTGT đầu vào, nhờ vậy không làm tăng giá thành sản xuất phân bón và nông dân mới thực được hưởng sự hỗ trợ từ chính sách thuế của Nhà nước.