Dân Việt

Đảm bảo mức sống cho người lao động khi về già

Kim Oanh 10/04/2015 19:54 GMT+7
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tham gia hội thảo “Bảo đảm an sinh xã hội cho người dân: Triển vọng và thách thức” do Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng ngày 10.4.
Hội thảo thảo luận các vấn đề liên quan đến đời sống người dân trong Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) mới có hiệu lực vào năm 2016. Theo Luật BHXH cũ, người lao động có thể lấy ra phần đóng BHXH khi nghỉ việc. Còn luật mới thì quy định phải có điều kiện.

img
Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo.
Ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, mục đích của luật mới là phần đóng BHXH đó dành cho hưu trí của người lao động. “Thực chất điều này là nhằm mục đích an sinh xã hội cho người lao động, nhằm đảm bảo đời sống của người lao động khi họ về già”.

Tuy nhiên, theo ông Lợi, Luật BHXH đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai.

Ông Lợi nói thêm, thực tiễn ở nước ta hiện nay có 140 ngàn người từ tuổi 80 trở lên không có lương hưu, không có thu nhập hay trợ cấp. Nếu người lao động tham gia quỹ này sẽ không tạo ra gánh nặng cho Nhà nước. Bản thân họ khi về già không còn khả năng lao động cũng có nguồn tiền lương hưu để lo cho bản thân, không phụ thuộc vào con cái, đảm bảo đời sống khi xảy ra rủi ro.  

“Tuy nhiên, cũng cần phải nói rõ rằng, không phải tất cả người lao động đều không được chi trả BHXH một lần, mà đối với những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, họ không thể làm tiếp được và muốn có tiền chữa bệnh, chăm lo trước mắt thì phải giải quyết một lần như trước đây cho họ”, ông Lợi nhấn mạnh.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu ý kiến rằng, định hướng của Điều 60 Luật BHXH mới quy định về giải quyết bảo hiểm xã hội một lần là tiến bộ, nhưng phải xem xét điều kiện thực tiễn người dân, tránh tình trạng người lao động bán sổ vì cần tiền.

Cùng ý kiến về vấn đề này, ông Đặng Như Lợi - nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Thực tế, đây là một định hướng tốt có lợi cho người dân và đảm bảo được vấn đề an sinh xã hội, tránh tình trạng trẻ thụ hưởng hết đến già lại không còn gì. Theo tôi, luật có thể đưa ra giải pháp nếu người lao động muốn nhận một lần thì vẫn giải quyết, nhưng không được hưởng khoản tiền 14% hỗ trợ từ Nhà nước. Đối với người lao động giữ lại thì được hưởng 14% này".     

Được biết, hiện nay, mới có 167.000/488.000 doanh nghiệp hoạt động trong cả nước đóng BHXH cho người lao động, chiếm tỷ lệ 34%. Trong đó, có 11,4 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 22%), 190.000 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,5%.