Bệnh chồng bệnh
Chị Nguyễn Thị Hòe (40 tuổi, Bắc Kạn) cho biết, chị luôn ăn ngủ tốt nên chủ quan với sức khỏe của mình. Chỉ đến khi thấy mình gầy rộc, đi tiểu nhiều lần chị mới đi khám bệnh thì biết bị đái tháo đường. Không những thế chị còn bị huyết áp cao, phải điều trị 2 bệnh cùng lúc.
Bác sĩ Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, tỷ lệ người mắc đái tháo đường tại Việt Nam tăng 200% trong 10 năm qua, trong khi thế giới chỉ tăng 54% trong vòng 20 năm. Ngày càng nhiều các bệnh nhân trẻ bị mắc đái tháo đường tuýp 2 vì lối sống không lành mạnh. Đáng tiếc nhiều bệnh nhân phát hiện ở giai đoạn muộn, phải chịu các biến chứng mù lòa, hoại tử chi phải cắt bỏ.
TS Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nếu như trước đây y tế Việt Nam tập trung phòng ngừa các bệnh lây nhiễm như sốt xuất huyết, tiêu chảy, sởi, thủy đậu… thì hiện nay phải tập trung vào các bệnh KLN do mức gia tăng trầm trọng, chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc. Các bệnh KLN đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam.
Một nghiên cứu khác của Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy, hơn 60% bệnh nhân đi bệnh viện để điều trị các bệnh KLN. Rất nhiều người khi phát hiện bệnh đã có nhiều biến chứng (suy tim, suy thận, cao huyết áp, hoại tử chi, mù lòa, tai biến mạch máu não), thậm chí nhiều người tử vong trước khi được điều trị.
Nguy cơ có thể tránh
“Có không ít người mắc cùng lúc nhiều bệnh KLN. Đây đều là các bệnh nặng, phải điều trị lâu dài, tốn kém. Người bệnh cũng mất sức lao động, ảnh hưởng đến chất lượng sống, nhiều gia đình bị nghèo hóa vì có người nhà bị một trong những bệnh này nhưng nguy cơ hoàn toàn có thể tránh được” - TS Phu cho biết.
Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra hàng loạt các bệnh KLN khác như đái tháo đường, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…
Xét về mặt lối sống, các chuyên gia y tế nhận định tỷ lệ người uống rượu, hút thuốc ở Việt Nam rất cao: Khoảng 16 triệu người hút thuốc, xấp xỉ 18 triệu nam giới (70% số nam giới) đang uống rượu bia, trong đó cứ 4 người uống rượu thì có 1 người nghiện (uống trên 6 cốc bia/ngày). Ngoài ra còn nghịch lý nữa là dù ở nước nông nghiệp nhưng rất nhiều người ăn thiếu rau/trái cây, lười vận động. Ước tính khoảng 7 triệu người đang bị thừa cân béo phì.
“Người dân cần phải nắm rõ các nguy cơ mắc bệnh KLN để kịp thời phòng ngừa cho mình. Chỉ cần bỏ hút thuốc, hạn chế uống bia rượu, vận động khoảng 30 phút mỗi ngày (đi bộ), ăn nhiều rau, hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn… đã có thể giúp mình và gia đình tránh được nguy cơ bệnh tật” - TS Phu cho biết.