Tại nhiều địa phương, lực lượng CSGT cắm chốt tại các cổng trường để nhắc nhở, tuyên truyền xử phạt những trường hợp cố ý không đội MBH cho trẻ khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện… lưu thông trên đường.
Ảnh minh họa
Trao đổi với PV Tiền Phong, trung tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng Tuyên truyền pháp luật ATGT (Phòng 4 - Cục CSGT), cho biết, trong ngày đầu, ra quân lực lượng CSGT tại 47/63 tỉnh, thành đã lập 1.280 biên bản vi phạm MBH đối với trẻ em, xử phạt 1.210 trường hợp, nhắc nhở 1.390 trường hợp.
Trung tá Nhật cho biết, học sinh 16 - 18 tuổi khi điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội MBH sẽ bị xử phạt 1/2 số tiền so với mức quy định; phụ huynh hoặc người giám hộ sẽ chịu trách nhiệm nộp phạt. Nếu học sinh 6 - 14 tuổi không đội MBH ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện lưu thông trên đường thì người điều khiển sẽ phải chịu trách nhiệm nộp phạt.
Ghi nhận của PV Tiền Phong tại Hà Nội cho thấy, số học sinh không đội MBH có giảm, tuy nhiên, vẫn còn nhiều phụ huynh, học sinh không đội MBH. Từ ngày 6 đến 9/4, lực lượng CSGT nhắc nhở, tuyên truyền 562 trường hợp không đội MBH. Sáng 10/4, các tổ công tác thuộc Phòng CSGT Công an Hà Nội xử lý 126 trường hợp vi phạm về đội MBH cho trẻ em.
Với trường hợp có nhiều học sinh vi phạm, CSGT sẽ kiến nghị xử lý trách nhiệm hiệu trưởng. Ảnh: Trọng Đảng.
Sẽ xử lý trách nhiệm hiệu trưởng
Lãnh đạo Phòng CSGT (PC67) - Công an thành phố Hà Nội cho biết, với trường có nhiều học sinh vi phạm, sẽ đề nghị Sở GD&ĐT xử lý trách nhiệm hiệu trưởng.
Tại nút giao thông Quang Trung - Lê Trọng Tấn (Hà Đông), từ 7h đến 7h30, tổ công tác của Đội CSGT số 7, PC67 xử lý hơn 10 trường hợp học sinh đi xe đạp điện không đội MBH. “Do các em đã trên 16 tuổi nên sau khi tuyên truyền cho các em hiểu về hành vi vi phạm của mình, chúng tôi đã ra quyết định xử phạt trực tiếp mỗi trường hợp vi phạm là 75.000 đồng”, Thượng úy Phạm Ngọc Thành, Đội phó Đội CSGT số 7, cho biết.
Khoảng 14h chiều qua, Thiếu tá Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Trưởng Phòng CSGT - Công an thành phố Hà Nội, cho biết, trong ngày ra quân đầu tiên, các tổ công tác đã xử lý 199 trường hợp vi phạm, tạm giữ 13 phương tiện (mô tô, xe đạp, xe máy điện), nhắc nhở 44 trường hợp vi phạm về MBH học sinh.
Theo ông Hùng, những ngày tới, dựa trên kết quả xử lý vi phạm, Phòng CSGT Hà Nội sẽ lập danh sách cụ thể các cá nhân, học sinh vi phạm để gửi đến Sở GD&ĐT Hà Nội. “Với các trường có nhiều học sinh vi phạm được thống kê, lên danh sách, Phòng CSGT Hà Nội sẽ kiến nghị lãnh đạo Sở GD&ĐT xử lý trách nhiệm hiệu trưởng”, ông Hùng nói.
Bí mật ghi hình trước cổng trường
Ngày 10/4, lực lượng CSGT TPHCM kiểm tra, xử lý 126 trường hợp vi phạm quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em. CSGT cũng nhắc nhở 951 lượt phụ huynh điều khiển mô tô, xe gắn máy chở trẻ em không đội MBH.
Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TPHCM (PC67), từ ngày 10/4, lực lượng CSGT toàn thành phố đồng loạt ra quân, thời gian kiểm tra từ 16 giờ đến 18 giờ hằng ngày, nhằm hạn chế ảnh hưởng việc học tập của học sinh.
PC67 sẽ dùng camera nghiệp vụ bí mật đến các trường học ghi lại các hình ảnh vi phạm của phụ huynh chở trẻ em không đội MBH. Sau đó, phối hợp nhà trường mời phụ huynh đến tuyên truyền, nhắc nhở. Nếu vi phạm nhiều lần có thể cảnh cáo, nêu tên học sinh và phụ huynh đó trước trường.
Việc ra quân kiểm tra MBH tại các cổng trường khiến nhiều phụ huynh lo lắng bắt đầu đi mua MBH. Tại các cửa hàng bán MBH cho trẻ em trên đường Võ Thị Sáu, Nguyễn Thông (quận 3), Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình)..., khách ghé mua tăng cao.
Anh Lê Thắng, chủ cửa hàng MBH T.L trên đường Hoàng Văn Thụ, quận Tân Bình cho biết, giá mũ không thay đổi so với trước, dao động 120.000 - 200.000 đồng/cái. “Mấy ngày này bán khá nhiều, tăng 20-25%”, anh Thắng nói.
Các cửa hàng trên đường Nguyễn Trãi bày bán MBH giá rẻ: 50.000 - 150.000 đồng/cái. Cá biệt, một vài sạp lề đường Nguyễn Tri Phương (quận 5) và Cách Mạng Tháng Tám (quận 3) công khai chào mời MBH không có tem quy chuẩn với giá 15.000 - 35.000 đồng/cái.