Ở Nghệ An, vị phó giám đốc Sở Y tế thừa nhận sai sót trước một cái án “dương tính HIV” mà ngành y tế đã tuyên suốt 10 năm qua đối với một người dân.
Có xác nhận nhầm lẫn đáng tiếc. Có xin lỗi. Có yêu cầu xóa tên trong danh sách nhiễm HIV. Nhưng điều đáng nói là cái cách ngành y tế “xin xí xóa”.
“Chúng tôi rất mong được anh S và gia đình thông cảm. Thời điểm xét nghiệm đã qua rất lâu, những người làm xét nghiệm đã nghỉ hưu nên bây giờ rất khó xác định nguyên nhân gây sai sót và trách nhiệm của những người liên quan để xử lý”- vị phó giám đốc nói.
Ở Quảng Bình, trước thực tế hai dự án điện sáng phục vụ vùng sâu, vùng xa có tổng vốn trên 640 tỷ đồng bị chồng nhau, có nguy cơ gây lãng phí gần 14 triệu USD vay của Hàn Quốc, đương kim chủ tịch tỉnh phân trần để xảy ra việc này là do các cơ quan tham mưu. Rằng do tin tưởng cấp dưới. Rằng vì bận trăm công ngàn việc không kiểm soát hết được. Rằng đúng là dự án chồng dự án và “có thể gây lãng phí”. Và hài hước hơn cả, là khẳng định “đầy đủ hết, đúng quy trình”.
14 triệu USD, tính ra tiền Việt thì có bao nhiêu con số không. Và cái lỗi chung quy là vì chủ tịch “bận trăm công ngàn việc”.
Hai lời phân trần, ở hai địa phương khác nhau, về hai vấn đề tưởng chừng chẳng chút liên quan, nhưng lại có không ít điểm chung.
Ngoài việc đó là những quyết định mà người chịu thiệt thòi là nhân dân cần lao nghèo khó, thì cái cách phân trần giống như xí xóa đó đang giống y như sự lấp liếm. Lấp liếm cho qua chuyện. Lấp liếm cho hết trách nhiệm. Nhưng cái nguy hại hơn từ những lời phân trần này là chẳng có vẻ gì đó sẽ là một bài học đã có giá bằng cuộc đời, số phận những người dân, bằng rất nhiều tiền thuế của họ- để không thể tái diễn nữa cả.
Nếu như Nghệ An không biết sai ở đâu, vì sao sai, thì liệu rằng có thể sửa sai để trong hơn 10.000 trường hợp khác không xảy ra những “án oan” khiến những người dân cả chục năm sống trong cảnh cô độc giữa những ánh mắt kỳ thị, xin việc không nơi nào nhận, muốn lập gia đình mưu cầu hạnh phúc cũng chẳng có ai chấp nhận!
Nếu như ngay cả cái sai, sự lãng phí ở Quảng Bình cũng vẫn là “làm đầy đủ, đúng quy trình” và cơ chế kiểm soát và kiểm tra bất lực trong việc chỉ ra được những bất cập trong việc “tiền chồng tiền” thì liệu Quảng Bình, và rất nhiều các tỉnh khác đang thực hiện các dự án có thể khắc phục được sự lãng phí mà chính xác giống với việc ném tiền qua cửa sổ?