Dân Việt

Tam Kỳ (Quảng Nam): Đột phá mới về hạ tầng

Đại Nghĩa 14/04/2015 10:44 GMT+7
Sau 10 năm được công nhận là thành phố, Tam Kỳ (Quảng Nam) có những thay đổi nhanh chóng, đặc biệt đã tạo bước đột phá về hạ tầng đô thị. Hạ tầng cơ sở ở khu vực nông thôn cũng được đầu tư đồng bộ và tạo nên một diện mạo mới cho các xã vùng ven.

Thay đổi bộ mặt đô thị

Là trung tâm tỉnh lỵ của Quảng Nam, những năm qua TP.Tam Kỳ nhận được quan tâm đầu tư rất lớn từ Trung ương, tỉnh Quảng Nam trong việc phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông…

img
Quảng trường 24.3 đã tạo một diện mạo mới cho thành phố trẻ Tam Kỳ. Ảnh: Đại Nghĩa
Chánh văn phòng UBND TP.Tam Kỳ, ông Nguyễn Minh Nam cho biết, những năm qua, hàng loạt chương trình, dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng về đô thị, giao thông... trên địa bàn đã được đầu tư, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cho Tam Kỳ.

Nếu như giai đoạn 1997 - 2005 được xem là bước khởi động trong quá trình phát triển đô thị Tam Kỳ thì giai đoạn từ năm 2005 đến nay là mốc son quan trọng để tăng tốc trong đầu tư hạ tầng của Tam Kỳ. Đặc biệt, những năm gần đây, nhiều công trình đã được đầu tư tạo sức lan tỏa đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, như chợ Tam Kỳ, Trung tâm siêu thị, dự án khu khách sạn Mường Thanh… Mới đây, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư hoàn thiện và đưa vào khánh thành tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng – một công trình có kiến trúc độc đáo từ trước tới nay.

Ông Nguyễn Quang Tuấn- Giám đốc Ban quan lý các dự án đầu tư và xây dựng TP.Tam Kỳ (BQLXD Tam Kỳ) cho biết, những năm qua đơn vị đã thực hiện được nhiều dự án, công trình trọng điểm, góp phần tích cực làm thay đổi bộ mặt đô thị của TP.Tam Kỳ, như dự án nâng cấp Quảng trường 24.3, hệ thống các trường THCS, các tuyến đường đô thị và hàng loạt các dự án dân sinh khác…

Đầu tư cho các xã nông thôn mới

“Song song với việc tập trung hạ tầng đô thị, thời gian qua Tam Kỳ cũng rất chú trọng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại các xã vùng ven, xã thực hiện nông thôn mới (NTM) trên địa bàn. Hiện nay, toàn thành phố có 12 đơn vị hành chính, trong đó có 4 xã vùng ven là Tam Thanh, Tam Thăng, Tam Ngọc và Tam Phú. Hai xã Tam Ngọc và Tam Thăng được thành phố chọn làm điểm xây dựng NTM và phấn đấu đến cuối năm 2015 về đích. Chính vì vậy, trong hơn 4 năm qua lãnh đạo thành phố rất quan tâm đầu tư hạ tầng tại các địa phương này” - ông Tuấn thông tin thêm.

Theo ông Tuấn, hàng năm BQLXD Tam Kỳ đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho hạ tầng tại các địa phương. Nhờ đó, hàng loạt các công trình về trường học, trạm y tế, đường giao thông đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả cũng như đáp ứng tốt nhu cầu bức thiết của nhân dân trong vùng. Tiêu biểu như các công trình do Ban quản lý làm chủ đầu tư, như Trung tâm Y tế xã Tam Ngọc và Tam Thăng; Trường Tiểu học Phan Thanh, nâng cấp tuyến đường trục chính xã Tam Thăng… Trong năm nay, BQLXD Tam Kỳ sẽ tiếp tục đầu tư một số trường, đường giao thông tại 2 xã Tam Thăng, Tam Ngọc để cho các xã này đạt chuẩn các tiêu chí về trường học, giao thông...

Có thể nói, chặng đường 10 năm Tam Kỳ lên thành phố không phải là dài, nhưng với sự quyết liệt trong đầu tư cơ sở hạ tầng đô thị, hạ tầng nông thôn đã tạo cho Tam Kỳ một diện mạo mới.

Nếu như giai đoạn 1997 - 2005 được xem là bước khởi động trong quá trình phát triển đô thị Tam Kỳ thì giai đoạn từ năm 2005 đến nay là mốc son quan trọng để tăng tốc trong đầu tư hạ tầng của Tam Kỳ.