Dân Việt

Khóc, cười với dồn điền đổi thửa: Dân chưa đồng ý, xã đã vội làm

Việt Tùng 15/04/2015 09:39 GMT+7
Gần 1.000 mẫu ruộng ở thôn Yên Nội, xã Đồng Quang và hơn 100 mẫu ở thôn 4, 6 của xã Cộng Hòa (Quốc Oai, Hà Nội) đã bị người dân bỏ hoang do xã làm sai việc dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Cũng vì thế, không khí những ngày này ở thôn 4, 6 và thôn Yên Nội đang nóng hơn bao giờ hết.

Múc ruộng thành ao để… giảm chi phí

Không lập lán để canh ruộng như ở Mão Chinh, song công tác DĐĐT ở Yên Nội cũng đang rất “nóng”. Khi biết có PV NTNN về tìm hiểu vụ việc, hàng trăm người dân đã kéo đến UBND xã Đồng Quang để đòi công bằng, phản đối những việc làm sai trái của chính quyền thôn, xã này.

img
Khu ruộng tới 2,7 mẫu mà xã Đồng Quang đã bán cho doanh nghiệp đổ san nền. Ảnh: Việt Tùng
Theo đơn phản ánh của người dân gửi Báo NTNN, năm 2014, xã Đồng Quang triển khai DĐĐT và người dân đều đồng tình chủ trương này. Họ hy vọng sau DĐĐT sẽ có những thửa ruộng to, đẹp, bằng phẳng để canh tác, nâng cao thu nhập. Ông Trịnh Xuân Kiển- một người dân ở Yên Nội bức xúc cho biết, trước khi DĐĐT thôn chỉ họp 3 buổi, khi phương án chưa thống nhất thì thôn, xã đã vội đưa máy về múc ruộng, be bờ, làm kênh mương thủy lợi. Do chưa có thiết kế, nên khi triển khai đơn vị thi công đã phá vỡ mặt bằng ruộng, các hệ thống kênh mương, trục đường nội đồng cũ và thay vào đó là một hệ thống kênh mương, đường nội đồng mới bất hợp lý.

“Theo ý kiến tại các cuộc họp, người dân đều nhất trí với chia khoảng giữa các thửa với nhau rộng 50m, nhưng thôn, xã lại chia rộng lên thành 100m, dẫn đến thửa rộng, dài khác nhau, có hộ 1 – 2 sào dài tít tắp, còn ngang chỉ vài bước chân rất khó canh tác. Thật không hiểu họ chia ruộng kiểu gì nữa” – ông Kiển cho hay.

img
Hơn 1.000  mẫu ruộng ở  thôn Yên Nội, xã Đồng Quang (Quốc Oai, Hà Nội) bị  bỏ hoang cho cỏ mọc vì người dân phản đối cách làm của xã. Ảnh: Việt Tùng
Cũng bức xúc không kém, ông Nguyễn Thế Dư- một người dân trong thôn Yên Nội nói: “Tại khu Ván Đông – Tây, có 8,6 mẫu đất thuộc diện chân cao, cần cải tạo, lợi dụng việc này xã đã cho máy về múc ruộng sâu tới 90cm để lấy đất màu đi bán, trong khi đáng lẽ họ phải múc một lượt đất màu ở bên trên, rồi múc đất thịt ở bên dưới sau đó phải hoàn trả lại đất màu cho dân. Hiện số ruộng trên không khác nào cái ao, cấy làm sao được”. Cũng theo ông Dư, ở ô ruộng 12, thôn, xã còn tự ý cho múc 4 cái ao (6 sào/ao) trên đất 2 lúa để lấy đất đắp bờ. Trong khi đó, theo hợp đồng, đất đắp đường là đất đỏ, nhưng đơn vị thi công không thực hiện mà đa số múc đất ruộng lên đắp khiến mặt ruộng biến thành thùng vũng không thể cấy lúa được, còn đường thì lầy lội”.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Thế Cung- Thanh tra nhân dân thôn Yên Nội, với diện tích lớn tới gần 1.000 mẫu ruộng, nhưng xã chỉ nhận 5/16 đơn vị tham gia dự thầu là quá ít. Cũng vì thế, chất lượng, tiến độ không đảm bảo, dẫn đến người dân không nhận ruộng.

Giải thích về những việc làm trên, ông Nguyễn Nhã Văn – Chủ tịch UBND xã Đồng Quang thừa nhận, ở khu Ván Đông – Tây, mục đích của đơn vị thi công là múc san ruộng để lấy đất đắp bờ, nhưng do giám sát lỏng lẻo nên họ đã múc sâu quá. “Còn việc xã múc 4 ao là để lấy đất đắp bờ, nhằm giảm chi phí vận chuyển, có điều chúng tôi chưa kịp bàn với dân. 5 đơn vị thi công 1.000 mẫu ruộng cũng không phải là ít, quan trọng là họ đủ năng lực, còn việc quy hoạch 100m/thửa cũng là để tiết kiệm công đắp bờ” – ông Văn lý giải tiếp về hàng loạt các thắc mắc của dân.

Đổ trộm đất, đá xuống ruộng của dân

Tiếp tục tìm hiểu sự việc tại đây, chúng tôi còn phát hiện nhiều sai phạm khi triển khai DĐĐT ở Đồng Quang. Cụ thể, lợi dụng việc DĐĐT, xã đã tự ý bán 2,7 mẫu ruộng của 17 hộ dân ở khu đồng Đụn cho một doanh nghiệp tư nhân để làm khu du lịch sinh thái, mà không thông qua họp, xin ý kiến của dân. Sau khi được xã giao đất, doanh nghiệp đã đổ hàng trăm nghìn m3 đất, đá xuống khu vực ruộng trên để san lấp mặt bằng. Bức xúc trước những việc làm của chính quyền, người dân thôn Yên Nội đã kéo lên thôn, xã phản ảnh. Trả lời những phản ảnh của dân, Chủ tịch xã Nguyễn Nhã Văn hứa sẽ huy động máy múc hết số lượng đất đá trên trả lại mặt bằng ruộng cho người dân. Song theo ông Nguyễn Đình Bình- một hộ dân có ruộng ở đây, thực tế khác xa lời hứa khi chỉ có 2 chiếc xe công nông ra xúc đất. “Với công suất của 2 công nông này, có chở cả năm cũng không hết khối lượng đất này, họ làm để đối phó thôi” – ông Bình bức xúc.

Quan điểm

Ông Trịnh Xuân Kiển
  Theo ý kiến tại các cuộc họp, người dân đều nhất trí với chia khoảng giữa các thửa với nhau rộng 50m, nhưng thôn, xã lại chia rộng lên thành 100m, dẫn đến thửa rộng, dài khác nhau, có hộ  1–2 sào dài tít tắp, còn ngang chỉ vài bước chân rất khó canh tác. Thật không hiểu họ chia ruộng kiểu gì nữa. 
Trao đổi với PV NTNN, ông Văn khẳng định, xã không bán đất cho doanh nghiệp song ông cũng thừa nhận là lấy ra 2,7 mẫu ruộng ở khu đồng Đụn là để mở rộng đường. “Thành phố đã có dự án cải tạo, mở rộng đường đi qua Đồng Quang. Do đó, thành phố, huyện đã giao cho xã, cùng thôn chuẩn bị các bước mở rộng đường từ 9m thành 24m, nên khi DĐĐT để chủ động quỹ đất xã đã quy hoạch khu vực này” – ông Văn lý giải.

 

Khi PV đặt câu hỏi, dự án, lộ giới đường chưa được phê duyệt, vì sao xã đã cho đổ đất san mặt bằng, thì ông Văn bảo: “Số đất đá đổ trên là do các đơn vị thi công trên địa bàn đổ trộm, chứ không phải đổ đất san mặt bằng”. Chúng tôi đặt câu hỏi tiếp, khối lượng đất đá đổ lên đất ruộng lên tới hàng trăm nghìn m3, mặt bằng đã được san phẳng rộng tới 2,7 mẫu, chứ không thể chỉ có 1-2 xe đổ trộm được, thì ông Văn chỉ gãi đầu, rồi bảo: “Khu vực này xa trung tâm, hơn nữa lực lượng an ninh xã mỏng nên không phát hiện được”.

Tại buổi tiếp xúc với PV, hàng trăm người dân ở thôn Yên Nội đều khẳng định rằng, xã đã bán khu đất này cho doanh nghiệp, đồng thời khẳng định số lượng đất này do chính doanh nghiệp Hưng Hà đổ để san mặt bằng làm nhà xưởng.

Tự chuyển ruộng của hộ này với hộ khác

Theo xác minh thông tin từ đơn thư của người dân, PV NTNN đã tìm hiểu và phát hiệu nhiều sai phạm trong DĐĐT tương tự ở thôn 6, xã Cộng Hòa (Quốc Oai), cả thôn và xã đã tự ý đảo ruộng của đội này chia cho đội khác. Cụ thể thôn, xã lấy 9.000m2 ruộng đẹp của đội 10 ở khu Đồng Đường chia cho đội 4 và đẩy ruộng xấu đội 4 về đội 10… 

Ông Vương Chí Tấn, đội 11 bức xúc: “Ruộng ở đây cao thấp khác nhau, khu Đồng Chàm – Đồng Thửa người dân đều nhất trí chia 2 thửa, nhưng thôn, xã vẫn “ép” một thửa. Hơn nữa khi DĐĐT xã tự ý thu lại đất phần trăm của người dân (đất giao cho các cháu sinh sau khi chia ruộng đất năm 1993), trong khi đó hiện xã đang có tới 107ha thuộc quỹ đất công của xã, chiếm khoảng 17%, quá tiêu chuẩn cho phép giữ 12%”. 

Lý giải vấn đề này, ông Vương Đắc Thủy- Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cho biết: “Sở dĩ phải chia, đảo ruộng là do ruộng của các thôn đan xen nhau, nên ruộng xấu, ruộng đẹp lẫn lộn là không tránh khỏi. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu chủ trương này của xã”.