Giá lúa thấp, thị trường thu hẹp
Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II tăng 2,2%, thấp hơn quý I (2,6%) chủ yếu do sản lượng lúa vùng ĐBSCL cơ bản tính vào giá trị sản xuất quý I; sản lượng thịt hơi trong quý II giảm so với quý I. 6 tháng đầu năm ước tăng toàn ngành đạt 2,4%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây; trong đó: Nông nghiệp ước tăng 2,2%; lâm nghiệp ước tăng 5,7%; thủy sản ước tăng 2,5%.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thường kỳ tháng 6.2013. |
Theo Bộ trưởng Vinh: "Khó khăn lớn nhất của ngành nông nghiệp hiện nay là nhu cầu của thị trường giảm, giá lúa xuống thấp ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu gạo và thu nhập của người nông dân".
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Văn Minh đề xuất với Chính phủ cần có những biện pháp ngăn chặn nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp mà trong nước có thể sản xuất được. Việc nhập khẩu các mặt hàng này để sản xuất ổn định nhưng lại gây khó khăn cho sản xuất trong nước, nhất là chăn nuôi. Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị Chính phủ sớm công khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp để các địa phương biết để xây dựng tái cơ cấu hợp lý gắn với kinh tế thị trường.
Đồng tình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thanh cho rằng, hiện người nông dân rất khổ sở, khó khăn vì không biết nên sản xuất cái gì do việc quy hoạch vùng vẫn chưa rõ ràng. Ông Thanh đề nghị Chính phủ sớm cho triển khai đề án tái cơ cấu nông nghiệp để các địa phương nắm rõ quy hoạch vùng, sản xuất theo định hướng thị trường.
Cần thay đổi mô hình tăng trưởng
Giải pháp 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát cho rằng, cấp bách nhất vẫn là đẩy mạnh thị trường tiêu thụ, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. "Từ lúa gạo, cà phê, cao su, cá tra, tôm có xuất khẩu được thì mới tăng giá trị sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương để thúc đẩy việc chống buôn lậu các mặt hàng nông nghiệp. Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã được Thủ tướng thông qua và sẽ triển khai thời gian tới"- ông Phát cho biết.
Về giải pháp cho phát triển nông nghiệp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị: Trước đây chúng ta áp dụng mô hình "2 tăng" để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đó là: Tăng sản lượng và tăng vốn. Nhưng nay cần phải thay đổi, áp dụng mô hình "1 giảm, 1 tăng, 2 theo và 3 hỗ trợ". Cụ thể, là giảm chi phí, tăng chất lượng, theo nhu cầu thị trường và theo hiệu quả. Cuối cùng là 3 hỗ trợ: Hỗ trợ tiếp thị tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ về vốn, hỗ trợ về xây dựng thương hiệu.
Riêng về vấn đề chuyển đổi mục đích sử đụng đất lúa, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Trồng hoa, trồng cỏ hay nuôi bò, khi cần có thể san bằng để trả đất cho lúa. Mỗi năm chúng ta phải mất hàng tỷ USD để nhập ngô và khô đậu làm thức ăn chăn nuôi, nếu chuyển từ lúa sang trồng hai loại cây này thì tốt quá, nhưng cũng phải tính tới hiệu quả. Ngành nông nghiệp phải tập trung chỉ đạo quyết liệt để làm sao tăng năng suất, giảm chi phí".
6 tháng cuối năm, GDP dự báo chỉ tăng 5,2%
Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm diễn ra 27.6, ông Hà Quang Tuyến - Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia (Bộ KHĐT) cho biết, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,9%. Để đạt được mục tiêu cả năm tăng GDP là 5,5% thì 6 tháng cuối năm phải đạt được gần 6%. Mốc 6% này các năm trước đều đạt được. Tuy nhiên năm nay, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như sản xuất, tổng cầu của nền kinh tế thấp, 6 tháng cuối năm không thể đẩy tổng cầu tăng mạnh và nhanh được.
Hiện khối doanh nghiệp vẫn trong tình trạng bị phá sản nhiều, sản xuất chưa được mở rộng, tồn kho tuy có giảm nhưng còn cao, tiếp cận ngân hàng của doanh nghiệp còn khó khăn. Như vậy, đề ra mục tiêu tăng GDP 5,5% 6 tháng cuối năm thì Chính phủ cần phải có giải pháp đột phá, đồng thời phải lường trước được các rủi ro trong thời kỳ sau. Dự báo của của chúng tôi, khả năng 6 tháng cuối năm GDP cũng chỉ tăng được 5,1- 5,2%.
Mai Hương
Hải Phong