Dân Việt

Cần giúp đỡ cả đối tượng gây bạo lực gia đình

28/06/2013 10:59 GMT+7
(Dân Việt) - Để can thiệp phòng chống bạo lực gia đình hiệu quả, cần phải tập hợp cả người gây bạo lực và người bị bạo lực lại làm việc chung với nhau, cùng phân tích nguyên nhân và tự tìm ra giải pháp cho chính họ.
img
Ảnh minh họa

Đó là giải pháp mà GS-TS Đặng Cảnh Khanh - Viện trưởng Viện nghiên cứu thanh niên đưa ra tại Hội thảo Gia đình từ góc nhìn Ngôi nhà Bình yên do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 27.6 để giải quyết nạn bạo lực gia đình.

Trong vòng 6 năm, Ngôi nhà bình yên (20 Thụy Khuê, Hà Nội) đã đón tiếp gần 380 người bị bạo lực gia đình (BLGĐ) đến tạm trú. 82% trong số họ bị chồng đánh, 18% còn lại là bị các thành viên khác trong gia đình đánh (bố mẹ chồng, bố mẹ đẻ, anh em). Không ít cụ già 70-80 tuổi bị con cháu đánh. Có chị đã ly hôn 3-4 năm nhưng chồng cũ vẫn về nhà đòi nấu cơm cho ăn, "tiện tay" đánh đập mà không thể đuổi. Có em bị quấy rối tình dục bởi bố đẻ, bố dượng...

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thúy - Trưởng phòng tham vấn và hỗ trợ (Ngôi nhà bình yên), trong số 230 phụ nữ được trợ giúp thì 84% đang kết hôn hợp pháp, 8% sau ly hôn vẫn bị chồng cũ đánh, 2% chung sống không kết hôn. Tuy nhiên, có đến 89% những phụ nữ đang sống với chồng bị cùng lúc cả ba loại bạo lực (thể chất, kinh tế, tình dục). Tỷ lệ phụ nữ bị BLGĐ từ 5 năm trở lên cũng rất cao 38%. "Nghiên cứu đã cho chúng tôi một nhận định khá buồn, hôn nhân hợp pháp vẫn được xem như cái nôi an toàn, bảo vệ mỗi người thì đối với những phụ nữ bị BLGĐ, hôn nhân lại chính là "gông cùm" khiến họ tiếp tục giằng néo, cam chịu" - bà Thúy cho biết.

Theo đánh giá của bà Thúy, sự giúp đỡ của Ngôi nhà bình yên tuy rất hiệu quả nhưng so với nhu cầu trợ giúp của người bị bạo lực chẳng khác nào "muối bỏ biển".

Cũng theo các chuyên gia, đa số người bị bạo lực mất niềm tin vào chính quyền, công an và hội phụ nữ. Vì thế, để can thiệp phòng chống BLGĐ hiệu quả, cần phải tập hợp cả người gây bạo lực và người bị bạo lực lại làm việc chung với nhau, cùng phân tích nguyên nhân và tự tìm ra giải pháp cho chính họ. Ngay cả người gây bạo lực cũng nên được nhìn nhận như đối tượng "cần được giúp đỡ" để họ biết cách giải quyết mâu thuẫn gia đình, không đánh đập bạn đời, từ bỏ tệ nạn…