Dân Việt

Tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên bị cho là “dâm thư“

15/04/2015 11:01 GMT+7
Đương thời, trong một cuộc phỏng vấn, nhà văn Bình Nguyên Lộc tâm sự: “Cuốn tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên tôi đọc là một cuốn sách mà thoạt đầu cha tôi cấm không cho đọc vì cho là dâm thư, đó là cuốn Hà Hương phong nguyệt truyện của Lê Hoằng Mưu”.

Cuối năm 2014, PGS - TS Võ Văn Nhơn có dịp tiếp xúc với bản in cuốn Hà Hương phong nguyệt tại Pháp. Mới đây, ông đã hoàn thành việc khảo cứu về tác phẩm này và đi đến kết luận Hà Hương phong nguyệt là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

Nhà văn Lãng Tử từng viết trên Tuần báo Mai năm 1939 như sau: “Bây giờ, quen thuộc với cái táo bạo của tư tưởng Âu Mỹ, ta còn phải ngạc nhiên với lời văn khiêu dâm của ông Trương Tửu, Vũ Trọng Phụng, Trọng Lang, chớ có biết đâu rằng hồi đó, lúc ảnh hưởng của Tống Nho còn đang khắc nghiệt vô cùng mà Lê quân cũng đã dám có những ý nghĩ táo tợn và dạn dĩ mà viết Hà Hương phong nguyệt”.

Tiên phong và ăn khách

Theo nhà nghiên cứu Võ Văn Nhơn: “Việc xuất hiện Hà Hương phong nguyệt, theo Lê Hoằng Mưu (1879-1941) là một phản ứng, là lòng tự trọng của một nhà văn Việt Nam trước cơn sốt dịch “truyện Tàu” lúc đó. Tiểu thuyết này vốn được đăng trên báo Nông cổ mín đàm từ số 19, ra ngày 20.7.1912 với nhan đề Truyện nàng Hà Hương đến số 53, ngày 29.5.1915 (chưa kết thúc). Năm 1914, tác phẩm này được nhà in Saigonnaise L. Royer xuất bản với tên là Hà Hương phong nguyệt truyện (6 tập)”. Lúc đó, tác phẩm này đã được in gần 10.000 bản, cho thấy sức hút khách mạnh mẽ.

img

PGS - TS Võ Văn Nhơn

Như vậy, các nghiên cứu trước đây của Vương Hồng Sển, Bùi Đức Tịnh, Bằng Giang, Nguyễn Kim Anh, Nguyễn Q. Thắng, Vũ Tuấn Anh, Bích Thu, Hoài Anh, Trần Mạnh Thường… đều ghi Hà Hương phong nguyệt xuất bản năm 1915 bởi Imprimerie J. Viết với 5 tập là chưa chính xác.

Dung lượng của Hà Hương phong nguyệt dài đến 284 trang (chưa kết thúc), “ra dáng” tiểu thuyết thực thụ, nếu phải so với Thầy Lazarô Phiền (1887, 32 trang), Hoàng Tố Anh hàm oan (1910, 54 trang), Phan Yên ngoại sử - Tiết phụ gian truân (1910, 49 trang)… của các nhà văn Nam bộ khác.

“Với bối cảnh truyện rộng lớn, hệ thống nhân vật đa dạng, Lê Hoằng Mưu đã tiên phong trong việc phân tích tình cảm, diễn biến tâm lý, những ẩn ức… để hướng đến nhân vật nhị nguyên, phức tạp theo kiểu của tiểu thuyết hiện đại, trong khi tiểu thuyết thời đó mới dừng lại ở nhân vật chức năng” – PGS Võ Văn Nhơn nhận định.

img

Bộ tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam hiện được lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Pháp

Bị Pháp cấm sau 10 năm phát hành

Sau khi tác phẩm này làm mưa làm gió thật sự, đã xảy ra các cuộc bút chiến dữ dội, phe bảo thủ cho nó là dâm thư. Thậm chí có người còn lên án Lê Hoằng Mưu: “Một đứa tội nhơn lớn nhứt của nước An Nam” (Công luận báo, số 48, 1928). Điều này buộc chính quyền thuộc địa Pháp tại Nam kỳ phải ra lệnh tịch thu và tiêu hủy.

Đây cũng là lý do vì sao mà Hà Hương phong nguyệt gần như vắng bóng suốt một thế kỷ qua; ngay các thư viện lớn thuộc Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Thư viện Tổng hợp TP.HCM, Thư viện KHXH TP.HCM… cũng chỉ còn tản mác, rời rạc.

Trước dư luận hà khắc, Lê Hoằng Mưu chỉ nói: “Viết ra từ mười năm không ai nói chi. Sau này trong phe viết báo lắm kẻ người ưa đọc sanh lòng ganh gổ, kích bác; mà không nói hay dở gì, chỉ thích điều lả lơi phong nguyệt. Tôi mỉm cười! Cười mấy ông này mắt mang kiếng đen, chưa hề có xem phong nguyệt của người các nước, còn lả lơi quá mười của tôi. Tôi thầm nghĩ nếu phong hóa vì tiểu thuyết tình tự lả lơi mà ra thì phong hóa các nước suy đồi biết mấy. Thoảng lại phong hóa nhà Nam suy đồi từ chưa có bộ Hà Hương phong nguyệt”.

Sau khi Hà Hương phong nguyệt bị tiêu hủy, tại Nam kỳ lại rộ lên khuynh hướng tiểu thuyết tính dục và một phong trào viết tiểu thuyết diễm tình. Ví dụ Lỗi bước phong tình của Nguyễn Thành Long, Cô Ba Trà của Nguyễn Ý Bửu... Thậm chí có tiểu thuyết còn nhại lại cả nhân vật chính và tiêu đề, ví dụ Hà Hương hoa nguyệt của Nam Tùng Tử. Bản thân Lê Hoằng Mưu vẫn tiếp tục diễn ngôn tính dục của mình với các tác phẩm như Hồ Thể Ngọc, Đỗ Triệu kỳ duyên, Người bán ngọc…, chấp nhận những lời chỉ trích.

“Ngày nay đọc lại Hà Hương phong nguyệt, bên cạnh một số hạn chế của thời đại, chúng ta vẫn thấy được tính hấp dẫn và tiên phong, bạo liệt của nó. Nó hoàn toàn xứng đáng là tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam; đánh dấu bước phát triển dài của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Tôi nghĩ việc tái bản tiểu thuyết này sau hơn thế kỷ là xứng đáng, cần thiết”, Võ Văn Nhơn kết luận.

Hà Hương phong nguyệt kể chuyện của Nghĩa Hữu, một thanh niên con nhà giàu có ăn chơi lêu lổng. Nghĩa Hữu cưới Hà Hương, một cô gái con nhà giàu, có nhan sắc nhưng tính nết xấu xa, vì thế chẳng bao lâu hai người đường ai nấy đi. Nghĩa Hữu lấy vợ sau là Nguyệt Ba, một cô gái nhà nghèo nhưng đẹp người đẹp nết. Hà Hương sau một thời gian ăn chơi chán chê lại dụ dỗ Nghĩa Hữu trở lại với mình.