TS Nguyễn Duy Lượng- Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, cùng TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Ipsard và ông Lưu Quang Định- Tổng Biên tập Báo NTNN đồng chủ trì hội thảo. Tại cuộc hội thảo, hàng loạt những thực trạng “sáng- tối” của nông thôn đã được các nhà quản lý, hoạch định chính sách, nhà khoa học và các chuyên gia nhìn nhận, đánh giá dưới nhiều góc độ.
Toàn cảnh Hội thảo Bức tranh nông thôn, nông dân VN. |
Chịu nhiều áp lực
Báo cáo Tổng quan tình hình nông thôn, nông dân Việt Nam giai đoạn 2006-2012 do TS Nguyễn Anh Tuấn-Giám đốc Trung tâm Tư vấn chính sách-CAP thuộc Viện Ipsard trình bày cho thấy, khu vực nông thôn, nông dân đang phải chịu nhiều áp lực, nhất là kể từ năm 2010-2012.
Cụ thể, thu nhập và chi tiêu của hộ nông dân tăng mạnh trong giai đoạn 2006-2010 nhưng tốc độ giảm dần trong những năm gần đây; tỷ lệ hộ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010-2012 đi cùng với hộ tái nghèo tăng; thu nhập từ nông nghiệp giảm dần trong khi đó thu nhập từ phi nông nghiệp lại tăng nhẹ… “Khủng hoảng và suy giảm kinh tế rõ ràng có tác động tới thu nhập của nông dân và làm giảm tốc độ giảm nghèo, tăng tỷ lệ hộ tái nghèo ở nông thôn”-ông Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Thu nhập của hộ nông thôn đang chậm lại
Kết quả điều tra của Ipsard cho thấy, thu nhập bình quân đầu người qua các năm đối với các hộ gia đình nông thôn tăng. Tuy nhiên, tốc độ tăng không ổn định (nhanh vào giai đoạn 2008-2010 và chậm lại trong giai đoạn 2010-2012). Cụ thể, trong 2 năm 2010-2012, Lào Cai là tỉnh ghi nhận rõ sự suy giảm trong thu nhập người dân. Trên dưới 50% thu nhập của hộ ở Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng là từ hoạt động nông nghiệp…
Mức độ khó khăn càng tăng lên đối với nhóm hộ nghèo. Trong số hộ điều tra của nhóm nghiên cứu thì có tới 50% phải vay nợ. Đáng chú ý, số tiền nợ chủ yếu từ vay tư nhân, tín dụng chính thức từ ngân hàng chỉ chiếm khiêm tốn hơn 13%. Thạc sĩ Trần Thị Thanh Nhàn-đại diện nhóm nghiên cứu của CAP lo ngại khi cho rằng hệ thống tín dụng chính thức không giúp gì được nhiều đối với hộ gia đình nông thôn.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, cần thiết phải nhìn nhận thực tế này và rõ ràng có xu hướng “giới trẻ rời xa nông nghiệp”. Vì thế, cần có những chính sách để giữ chân nông dân. “Ở các nước, việc bảo hộ nông sản cũng là một cách để làm tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân gắn bó hơn với nông nghiệp”- bà Lan cho biết. Theo bà Lan, hiện nay lợi ích của đại đa số nông dân đã bị lợi ích nhóm chi phối, vì thế, cần phải thay đổi cấu trúc lợi ích theo hướng tạo được lợi ích chính đáng cao hơn cho người nông dân.
Còn nhiều màu “xám”
Ông Hoàng Trọng Thủy-Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới thì cho rằng, nông dân đang quá thiệt thòi và bức tranh nông thôn đã và đang có nhiều “màu xám”. Theo ông Thủy, nông thôn hiện đang phải đối diện với nguy cơ “3 không”: Các nhà chính sách không thích làm chính sách nông nghiệp, doanh nghiệp không đầu tư nhiều vào khu vực này và đáng lo ngại là nông dân không muốn làm nông nghiệp. Vì thế, theo ông Thủy, đã đến lúc cần song song thực hiện chính sách “cởi trói” và chính sách phát triển để đảm bảo cho quyền lợi người nông dân. “Chính sách cởi trói cho hạt gạo đang cấp thiết hơn bao giờ hết”- ông Thủy nhấn mạnh.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho biết, theo điều tra của Ipsard từ năm 2006 - 2012 (2 năm/lần) ở gần 3.000 hộ gia đình nông thôn tại 12 tỉnh thành cho thấy, dù thu nhập từ tiền công lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, các hoạt động phi chính thức tăng lên nhưng thu nhập từ nông nghiệp giảm dần, tỷ lệ hộ nghèo không giảm trong giai đoạn 2010- 2012 đi cùng với việc số hộ tái nghèo tăng lên. Đặc biệt, theo TS Tuấn, đất đai hiện còn manh mún, tích tụ ruộng đất chậm, mức độ thương mại hóa trong nông nghiệp còn thấp, tiếp cận đầu vào cao (giá cao, thông tin thị trường yếu…) nên dẫn đến một thực tế là “sự lạc quan về tương lai có giảm sút trong thời gian gần đây”.
Theo bà Trần Thị Thanh Nhàn, tổn thương bởi các cú sốc là đặc trưng nổi bật của sinh kế hộ gia đình ở các nước đang phát triển, tác động tiêu cực đến phúc lợi, khiến các gia đình dễ rơi vào tình trạng nghèo đói, thách thức ở đây là phải duy trì được một mức độ tiêu dùng thỏa mãn nhu cầu của các hộ. Vì thế, bà Nhàn cho rằng, cần hỗ trợ nhiều hơn cho hộ nông thôn để nâng cao khả năng ứng phó với các cú sốc. “Trước hết, tăng hỗ trợ trực tiếp đối với các rủi ro thiên nhiên, bệnh dịch; phát triển mạng lưới an sinh xã hội nông thôn; phát triển hệ thống cảnh báo thiên tai, tăng thông tin thị trường, phát triển bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ nghèo, ít đất, sống ở những vùng môi trường xung yếu…”- bà Nhàn chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Vĩ - Phó Chủ tịch Hội ND Sóc Sơn (Hà Nội): Tăng hỗ trợ dịch vụ
Nhà nước đã có rất nhiều chính sách, nhưng cần cụ thể hóa chính sách này, đặc biệt là các chính sách phải đến được với người ND. Hiện nay, hầu hết các chính sách đều bị “tắc” ở khâu trung gian, dẫn đến người dân không tiếp cận được. Thứ nữa, cần phải tăng cường dịch vụ, tích cực điều tra thị trường, phòng chống hàng thật giả, nhất là với phân bón, thuốc trừ sâu, giống… Có như vậy người dân mới có thể yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Thế Dũng - Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB): Dễ giúp nhầm người giàu
Hiện có khoảng 26% số hộ nông dân bị mất đất do thu hồi đất. Vậy chúng ta cần làm rõ, vì sao người dân bị mất đất, thu hồi để làm gì, chính sách hỗ trợ người dân sau thu hồi như thế nào, đã đúng, đáp ứng được tình hình thực tế, nhu cầu của người dân chưa? Cần rà soát xem chính sách nào hoạt động, chính sách nào không hoạt động. Chính sách nào hướng đến người nghèo. Nếu không làm rõ được những vấn đề này, rất có thể xảy ra tình trạng chính sách chồng chéo, chính sách cho người nghèo, nhưng lại “nhắm” sang giúp người giàu.
Ông Phạm Quốc Doanh - Phó ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp: Vẫn đứng một mình
Hơn 20 năm đổi mới, nông dân đã góp phần giúp Nhà nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Nhưng người nông dân còn chịu quá nhiều thiệt thòi. Hiện, chúng ta đã thực hiện nhiều cuộc vận động như xây dựng nông thôn mới, rồi cánh đồng mẫu lớn… nhưng sự hỗ trợ từ các tổ chức, doanh nghiệp, đối tác khác cho người dân chưa mạnh mẽ. Chúng ta cần thay đổi tư duy làm chính sách, những người làm chính sách phải xuống với dân, lắng nghe ý kiến của nông dân, chứ không thể cứ ngồi phòng lạnh làm chính sách được.
Việt Tùng (ghi)
Hữu Thông - Phương Đông