Dân Việt

Mây hồng trên cửa nhà nông

28/06/2013 13:03 GMT+7
(Dân Việt) - “Nếu trên cánh đồng có tổ chim, chúng tôi không được phá mà thống kê diện tích phải nhường lại cho gia đình nhà chim và chúng tôi sẽ nhận được đền bù từ chính sách hỗ trợ nông nghiệp chung của Cộng đồng châu Âu (EU)”.

Câu chuyện trên do một nông dân Ba Lan kể lại với phóng viên truyền hình Việt Nam thường trú tại châu Âu, vừa phát mới đây. Ông còn kể, khi canh tác, nông dân phải chừa lại một diện tích cỏ nhất định để duy trì tính tự nhiên của môi trường. Diện tích cỏ được hỗ trợ quy ra năng suất hoa màu. Nếu sản xuất không sử dụng phân hóa học mà năng suất thấp, phần hao hụt này cũng được EU trợ giá. Cả chính sách và tiền hỗ trợ đều là “tiền tươi thóc thật”.

Đem so sánh chuyện làm nông ở EU với làm nông ở ta thật khó. Nhưng chúng ta không thể giả điếc, cứ viện mãi tấm bình phong “nước ta còn nghèo”, dân trí chưa cao để bào chữa cho những thói tật cố hữu cả ở chuyện ra chính sách lẫn cách sống của người dân.

Năm 2002, sau 13 năm bắt đầu xuất khẩu gạo, Chính phủ ban hành Quyết định 80 về liên kết 4 nhà với bảo đảm tiêu thụ nông sản cho nhà nông. Hơn một thập kỷ trôi qua, thế gian vật đổi sao dời, nhưng cái quyết định ấy vẫn chưa biết khởi sự từ đâu, bằng cách nào; từ lãnh đạo đến người dân giày vò nhau một câu hỏi: Là nước đứng đầu xuất khẩu gạo sao dân vẫn nghèo, vẫn đói ? Năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết 63 rốt ráo yêu cầu “thực hiện các giải pháp đồng bộ… nhằm bảo đảm người sản xuất lúa có lãi trên 30% so với giá thành”.

Trước đó, năm 2008, Chính phủ cũng yêu cầu phải khẩn cấp xây kho bảo đảm đủ dự trữ 4 triệu tấn lúa. Các chính sách thì có nhiều nhưng tất cả đều như những đám mây hồng lướt qua ô cửa sổ nhà nông. Nhỏ như chuyện rau sạch, chủ trương rõ đúng, hội thảo triền miên, tiền bỏ ra hàng đống, nhưng mỗi khi ngồi vào bữa cơm, chẳng mấy ai đủ tự tin rằng mình đang ăn rau sạch. Không hô hào, không quyết tâm rổn rảng nhưng chính sách của EU liên quan tới gần 30 quốc gia mà khả thi đến từng tổ chim thì điều cần học là cách làm chính sách của họ.

Trong câu chuyện của nông dân Ba Lan trên có quan hệ hai chiều: Nhà nước có chính sách hay, nông dân có ý thức sống tốt. Nông dân nước ta trong khi đã quá thiệt thòi vì các khuyết tật từ chính sách quản lý lại tự làm khổ thêm mình bằng các thói quen xấu và sự thiếu hiểu biết, như sử dụng quá đà phân, thuốc hóa học, tận diệt thiên địch, hủy hoại môi trường; cá chết vì mìn, vì điện; chim không còn nơi làm tổ, cò không chốn bay về…

Thời hội nhập, người nước ngoài về tận làng quê. Từ câu chuyện của nông dân Ba Lan, chúng ta không thể đổ lỗi rằng do nghèo hay phong tục khi thế giới công bố, Việt Nam là điểm nóng hàng đầu về buôn chó, khi khách du lịch đăng loạt ảnh thịt thú rừng treo lủng lẳng trước cửa chùa, chim bị vặt trụi lông xâu thành chuỗi rao bán bên vỉa hè thủ đô…Thế giới phẳng, giống bình thông nhau, ta không thể một mình một cõi kể cả việc ra chính sách quản lý lẫn thái độ của từng người dân với con chim, con cá.