Thế nhưng, niềm vui đó đã kéo theo quá nhiều nỗi lo mà theo NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, giám đốc của nhà hát này: “Để vận hành hệ thống âm thanh, ánh sáng và các phương tiện kỹ thuật hiện đại trang bị cho sân khấu mới, chúng tôi không có chuyên viên được đào tạo đúng chuẩn”.
Trên thực tế, nguồn nhân lực cần được đào tạo phục vụ cho các nhà hát, trung tâm văn hóa bảo đảm yêu cầu về chuyên môn lâu nay không được chú trọng, trong khi sân khấu hiện đại đòi hỏi trang bị hệ thống kỹ thuật tiên tiến nhằm phục vụ cho công việc sáng tạo nghệ thuật. Từ một đội ngũ kỹ thuật viên lâu nay vận hành theo phương thức thủ công, giờ bắt buộc vận hành bằng số hóa toàn bộ nên đa phần không thao tác được. “Chúng tôi cũng có thể mày mò để học và ứng dụng thích hợp nhưng sẽ cần thời gian để thích ứng.
Trước đây, Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM có mở các lớp tập huấn do các chuyên viên nước ngoài hướng dẫn nhưng cứ mỗi năm, hệ thống kỹ thuật âm thanh, ánh sáng đổi mới liên tục với tiêu chuẩn mới mà bản thân các chuyên viên như chúng tôi không được cập nhật thì gặp khó khăn là điều tất yếu” - anh Võ Anh Kiệt, chuyên viên âm thanh của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nói.
Theo NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho sân khấu chuyên nghiệp không chỉ nên tập trung vào việc đào tạo đạo diễn, diễn viên, tác giả, nhạc sĩ mang tính đặc thù của bộ môn nghệ thuật cải lương mà còn phải chú trọng đến đội ngũ kỹ thuật và thiết kế sân khấu. Lâu nay, chúng ta cứ quen điều động người làm chuyên môn này sang làm chuyên môn khác, lấp khoảng trống một cách vô tội vạ dẫn đến công việc trì trệ.
Vì để thích ứng với công việc mới, môi trường mới, họ phải có thời gian và chính điều này đã dẫn đến sàn diễn thiếu sáng tạo, hình thức biểu diễn không mới. “Nhà hát chúng tôi đã có hệ thống âm thanh, ánh sáng hiện đại nhưng để xài được phương tiện kỹ thuật tối tân này phải kiếm ra người có đủ trình độ để ứng dụng hiệu quả. Lỗ hổng này là kết quả của việc bỏ quên việc đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên thích ứng cho nhà hát mới” - NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu nói.
NSND Huỳnh Nga cho rằng đây cũng là một hình thức lãng phí. Xây nhà hát nhưng không nghĩ đến việc đào tạo đội ngũ kỹ thuật có đủ năng lực sử dụng hiệu quả các phương tiện kỹ thuật trang bị. Nếu không có đội ngũ kỹ thuật khai thác tốt những phương tiện hiện đại này thì rồi những máy móc hiện đại đó sẽ nằm chờ ngày “quá đát”.
Nếu bây giờ mới cử người đi học để sử dụng được những máy móc này thì vài năm sau, khi họ quay lại, hệ thống kỹ thuật đó cũng đã lỗi thời. Trong quản lý nhà hát cũng thế, đâu phải cứ điều anh diễn viên làm giám đốc là được, vị giám đốc ấy phải là người hiểu biết chuyên môn vận hành một nhà hát với đầy đủ chức năng của nó. Đã đến lúc chúng ta nhìn thẳng vào sự lãng phí đó để sửa sai bằng cách xem việc đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ cho sân khấu chuyên nghiệp là vấn đề trọng tâm.
Từ những trăn trở đó, người làm nghệ thuật đã có rất nhiều kiến nghị trước sự thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, có tài, có tâm và đủ trình độ kiến thức để xây dựng nền tảng vững vàng cho sân khấu chuyên nghiệp. Thế nhưng, những kiến nghị cứ trôi vào quên lãng và việc thiếu hụt nhân lực đáp ứng được các yêu cầu của thời đại cứ diễn ra.
Các lớp tập huấn chỉ là cưỡi ngựa xem hoa, chẳng mang lại hiệu quả. Họa sĩ Lê Văn Định bức xúc: “Phải loại bỏ tính mặt trận trong đào tạo. Ngành nghề sân khấu mang tính đặc thù thì phải chọn đúng người, đúng sở trường để đào tạo. Mà không thể chỉ tìm 5-7 người là đủ, phải đào tạo vài trăm người, để qua sát hạch, chọn lọc được một vài nhân tố xứng tầm như các nước có nền sân khấu phát triển đã làm”.
Nhân lực bao giờ cũng quan trọng. Có tiền người ta có thể xây được nhà hát hiện đại trong một thời gian ngắn nhưng con người không thể có được trong ngày một ngày hai. Thiếu con người sử dụng thì dù phương tiện có hiện đại đến đâu cũng chỉ là đống sắt vụn.