Dân Việt

Đồng hành cùng nông dân

01/07/2013 08:35 GMT+7
(Dân Việt) - Về dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) từ 1-3.7, 1.180 đại biểu mang một trọng trách lớn lao là chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của đông đảo hội viên, nông dân cả nước tới diễn đàn đại hội.

Hoạt động sản xuất của nông dân đang chịu sức ép lớn từ yếu tố “đầu vào” lẫn yếu tố “đầu ra”. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN, ND, NT)chưa được đầu tư xứng đáng với những gì mà lĩnh vực này đã cống hiến, đóng góp cho đất nước. Hội ND phải có tiếng nói mạnh mẽ, có nhiều chương trình hành động sát với nhu cầu, lợi ích của ND hơn nữa... Tất cả đều là tâm tư, nguyện vọng của hội viên, ND gửi gắm mỗi đại biểu về dự Đại hội.

 img
Các đại biểu về dự đại hội mang theo nhiều tâm tư, nguyện vọng của hội viên.

Áp lực từ nhiều phía

Về Hà Nội dự Đại hội mà trong lòng anh Phạm Văn Chinh, đại biểu tỉnh Gia Lai, vẫn canh cánh chuyện giá cà phê tụt thê thảm trong vòng gần 1 tháng nay. Không chỉ cà phê, giá lúa gạo cũng làm bận lòng không ít đại biểu khu vực ĐBSCL. “Cà phê tiêu thụ khó khăn, giá cứ thấp dần nhưng không hiểu sao, giá vật tư nông nghiệp, phân bón vẫn cứ tăng từng ngày”- anh Chinh nói.

Nhiều đại biểu băn khoăn không biết ở Việt Nam đã hình thành chuỗi cung nông sản chưa, nếu có thì vị trí, lợi ích của ND đang ở đâu. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu than thở, trong sản xuất ND đang phải chịu áp lực nặng nề đến vô lý. Đó là “đầu vào” như vật tư, phân bón, thuốc BVTV thì cứ mải miết tăng trong khi “đầu ra” - hàng hóa nông sản - cứ “rớt hoài”. Rồi rủi ro dịch bệnh, thu nhập bấp bênh khiến ND vất vả tự bươn chải…

Về dự đại hội, các đại biểu mang theo những kỳ vọng, niềm tin của cán bộ, hội viên, ND đối với Hội ND. Đó là trăn trở làm thế nào để vị thế, vai trò của tổ chức đại diện cho giai cấp ND tiếp tục được nâng lên trong hệ thống chính trị, trong bối cảnh nông nghiệp, nông thôn đang đứng trước những cơ hội và thách thức...

Đại biểu Hồng Minh Châu (Bến Tre) thì phân tích kỹ, phần đầu tư trở lại cho NN, trong đó có các ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản chưa tương xứng với những đóng góp của những ngành này cho nền kinh tế. “Đầu tư trở lại phải bằng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, bằng chính sách hỗ trợ ND… ND hiện nay thiệt thòi đủ thứ, từ mức sống tới chuyện giáo dục, y tế”- ĐB?Châu bày tỏ.

Không những thiệt thòi, chịu nhiều áp lực, ND còn thiếu nhiều thứ mà quan trọng nhất là vốn và kiến thức KHKT, cơ chế, chính sách để có thể vững tâm sản xuất. Đại biểu Dương Văn Hồng (Bát Xát, Lào Cai) tâm sự: “Vốn cho ND còn thiếu nhiều lắm, nếu có được thì cũng toàn các khoản vay nhỏ. Nghị định 41 cho ND vay vốn được ban hành nhưng thực tế, ít có người vay được, mà không hiểu “tắc” ở chỗ nào?”.

Một trong những áp lực khiến ND phải chịu là việc thu hồi đất đai cho phát triển công nghiệp, đô thị mà trong nhiều trường hợp, ND “chỉ thấy nghĩa vụ mà chưa thấy quyền lợi”. Một số đại biểu lo ngại trước thực trạng nhiều địa phương quy hoạch đất đai bừa bãi, thiếu khoa học, tầm nhìn ngắn, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm dẫn tới thực trạng đất của ND bị thu hồi rồi bỏ hoang, gây lãng phí, bức xúc…

Đồng hành cùng nông dân

Trước những áp lực của phát triển, Hội ND nhiều địa phương đã “xắn tay” cùng ND tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. “Hội dạy nghề theo nhu cầu với công thức: Cầm tay chỉ việc + chuyển giao tiến bộ KHKT + hỗ một phần vốn đầu tư + quy hoạch vùng sản xuất lâu dài, ổn định. Đến nay, Hội đã hình thành chi hội trồng hoa, chi hội nuôi tôm, HTX trồng nấm trên địa bàn huyện Hòa Vang. Thu nhập và đời sống ND mất đất được nâng cao hơn” - đại biểu Hồng Thị Trinh (Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia sẻ.

Xác định bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên, ND là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua của Hội ND Bà Rịa - Vũng Tàu. “Bảng giá đất, mức chi trả bồi thường hoa màu do tỉnh đưa ra chưa hợp lý nên Hội đã có ý kiến bảo vệ tại HĐND làm sao vừa đảm bảo lợi ích của Nhà nước nhưng cũng không để ND thiệt thòi. Trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Hội đã đề xuất và được tỉnh chấp nhận chi ngân sách hỗ trợ lãi suất cho ND vay vốn”- ông Thống chia sẻ.

Tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề và tạo việc làm cho hội viên, ND được các cấp Hội đẩy mạnh trong những năm qua. Nhiều đại biểu cho rằng, sự hỗ trợ của các cấp Hội là rất quan trọng. Tuy nhiên, giải quyết những bức thiết trong NN, NT, những khó khăn của ND cần có cơ chế, chính sách mang tính đột phá, trọng tâm, trọng điểm từ phía Chính phủ…

Nhiều kỳ vọng

Đại biểu Hồng Minh Châu cho rằng, Đảng, Nhà nước cần đầu tư đích đáng cho Hội ND. “Đầu tư cho Hội là đầu tư về con người, là cơ chế chính sách để Hội hỗ trợ ND hiệu quả hơn. Trong xây dựng NTM, nói ND là chủ thể, muốn chủ thể vững vàng, tự tin thì tổ chức của họ phải khỏe và mạnh”- ông Châu lý giải.

Nhiều đại biểu đề nghị, Hội ND cần được sự sâu sát, chỉ đạo thường xuyên từ Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nhà nước, Chính phủ cho tới các bộ, ngành, địa phương… Đại biểu Dương Văn Hồng (Lào Cai) đề xuất, Chính phủ cần bổ sung tăng vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND). “Vốn Ngân hàng Thương mại lãi suất cao nên ít hộ dám vay. Nhà nước cứ mạnh dạn giao vốn, Hội mạnh dạn nhận, dám làm dám chịu trách nhiệm. Gần 2 tỷ đồng Quỹ HTND do Hội ND tỉnh giao về Bát Xát, chúng tôi triển khai các dự án sản xuất cho ND và đều có hiệu quả”- ông Hồng gợi ý.

Đại biểu Hồng Thị Trinh (Đà Nẵng) rất phấn khởi khi trong báo cáo của BCH T.Ư Hội NDVN (khóa V) trình tại Đại hội VI có đề ra nhiệm vụ “Hội tham gia xây dựng cơ chế, chính sách phát triển NN, ND, NT”. Bà Trinh khẳng định: “Hội ND là tổ chức gần ND, hiểu ND nhất. Hội tham gia xây dựng chính sách sẽ sát thực tế, trúng nhu cầu ND...”.

Truyền hình phát thanh trực tiếp phiên khai mạc

Tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội), sáng nay 1.7, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ VI, nhiệm kỳ 2013-2018 chính thức khai mạc với chủ đề "Đoàn kết-đổi mới-chủ động-hội nhập-phát triển bền vững". Tham dự đại hội có 1.180 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 10,4 triệu cán bộ, hội viên, ND cả nước. Trong 3 ngày làm việc chính thức (từ 1 - 3.7), Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội NDVN lần thứ V, nhiệm kỳ 2008-2013; đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của công tác hội và phong trào ND nhiệm kỳ 2013-2018; thông qua Điều lệ Hội NDVN (sửa đổi); bầu BCH T.Ư Hội NDVN khóa VI, nhiệm kỳ 2013-2018. Trước đó, chiều 30.6, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, đại hội đã họp trù bị, thông qua chương trình làm việc; quy chế làm việc của đại hội; quy chế bầu cử; bầu Đoàn chủ tịch, Đoàn thư ký đại hội; bầu Ban thẩm tra tư cách đại biểu; báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu...

Sáng 30.6, các đại biểu tham dự Đại hội VI Hội NDVN đã đến đặt vòng hoa và vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ...

Nguyễn Công