Nói thẳng ra là làm việc thiếu trách nhiệm. Bây giờ thì các cơ quan chức năng mới hớt hải đi kiểm tra tàu bè xem có đủ thiết bị an toàn không, có được phép lưu hành không sau khi đăng kiểm...
"Mất bò mới lo làm chuồng", câu thành ngữ này nói ra ở đây còn là nhẹ. Phải nói là xảy ra những tai nạn chết người, chết nhiều người, chết một cách thảm thương, đau đớn, thì mới đánh động những người có trách nhiệm lo đến phận sự của mình. Họ bảo vẫn luôn kiểm tra phương tiện giao thông.
Họ bảo vẫn lập biên bản phạt. Họ bảo vẫn nhiều lần nhắc nhở, cảnh báo các chủ tàu bè. Nhưng điều cốt yếu là phải kiên quyết xử lý những phương tiện đã quá hạn sử dụng, lưu thông, những phương tiện không bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật và an toàn, xử lý đến mức cấm hẳn, ngăn chặn triệt để thì họ, các cơ quan chức năng, lại không làm.
Thực trạng các phương tiện giao thông không bảo đảm tiêu chuẩn quy định vẫn lưu thông là điều ai cũng biết, ai cũng lo sợ, nhưng chúng vẫn được dung túng, cho nên khi xảy tai nạn thì hậu quả khôn lường.
Một người vi phạm luật giao thông bị phạt tiền, thu bằng lái, giữ xe máy, nhưng một chiếc ô tô quá hạn, một con tàu rệu rã vẫn cứ được phép lưu thông, dù đã được kiểm tra xác định là không được phép. Và rồi các tai nạn thảm thương liên tục xảy ra, cướp đi mạng sống của những người dân vô tội, mà trách nhiệm thì không thấy cấp nào phải chịu.
Bệnh tắc trách đã ăn sâu trong nhiều cơ quan chức năng của chúng ta. Tai nạn xảy ra thì mọi sự ồn ào, khua động một vài ngày, rồi đâu lại vào đấy. Nếu thực sự là những người lo cho dân, làm việc vì dân, thì lòng không vô cảm, trí không dửng dưng, thấy cái chết của người mà nguội lạnh tình cảm, chỉ lo kiểm tra để khỏi chịu trách nhiệm hơn là tự thấy mình có lỗi.
Chẳng lẽ cứ phải để xảy ra nhiều tai nạn thảm khốc, thương tâm nữa thì mới đánh động được sự trơ lỳ của những người có trách nhiệm? Mạng người là quý giá. Xin những ai đang làm việc cho dân hãy vì dân mà làm, chớ tắc trách trên sinh mạng dân, dù trong bất cứ lĩnh vực nào.
Phạm Xuân Nguyên