Bớt tiền, nhanh khỏi bệnh
Bà Phạm Thị Yến (Hưng Yên) bị suy tim từng phải lên Bệnh viện (BV) Việt Đức mổ từ năm 2001. Trong vài năm gần đây, bà đột quỵ vài lần, tuy nhiên người nhà chỉ cần đưa bà đến BV Đa khoa Phố Nối (Hưng Yên) là được cấp cứu kịp thời. BV gần nhà nên người thân cũng thuận tiện chăm sóc, không tốn kém tiền đi lại, ăn ở.
BV Đa khoa Phố Nối là 1 trong 8 BVVT của BV Việt Đức và BV Bạch Mai từ năm 2009. Hiện nay, BV Phố Nối đã thực hiện được gần 90% các kỹ thuật của BV hạng 2 và nhiều kỹ thuật của BV hạng 1. Những kỹ thuật khó đã được chuyển giao thành công như điều trị bệnh nhân đột quỵ do nhồi máu não bằng tiêu sợi huyết, cấp cứu ngừng tuần hoàn, cầm máu qua nội soi, chạy thận nhân tạo…
Ông Nguyễn Hữu Hoằng - Phó Giám đốc BV Đa khoa Phố Nối khẳng định, nhờ được chuyển giao kỹ thuật mà số bệnh nhân chuyển tuyến đã giảm gần 35%. Khi gặp ca khó, các bác sĩ từ BV Bạch Mai cũng giúp BV hội chẩn trực tuyến, chia sẻ các hình ảnh, kết quả chiếu chụp ngay trên mạng, không cần phải di chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Bà Phạm Thị Thuần (70 tuổi, TP.Hạ Long, Quảng Ninh) bị tai nạn gãy xương, phải thay khớp háng nhưng bà không phải lên tuyến T.Ư mà mổ ngay tại BV Đa khoa Quảng Ninh. Chỉ 1 tuần sau mổ bà đã có thể ra viện.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Diện - Phó Giám đốc BV Đa khoa Quảng Ninh cho biết, gãy xương đùi là một chấn thương nặng, phức tạp. Trước đây, BV Quảng Ninh thường chuyển bệnh nhân lên BV Việt Đức. Sau khi trở thành BVVT của BV Việt Đức, được chuyển giao kỹ thuật, các bác sĩ BV Quảng Ninh đã rất vững vàng thực hiện các ca mổ như vậy. “Hiện nay chúng tôi còn có khả năng cấp cứu các bệnh nhân nặng bị vết thương ở tim, chấn thương sọ não, cột sống…” – ông Diện cho biết.
Chỉ trong vòng 2 năm thực hiện đề án BVVT, BV Quảng Ninh đã thực hiện phẫu thuật 425 ca chấn thương sọ não, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong hồi sức và điều trị chấn thương sọ não nặng như đặt máy đo áp lực nội sọ…
Kéo gần khoảng cách
PGS-TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, đề án thiết lập mạng lưới BV hạt nhân-BVVT đã xây dựng được 14 BV hạt nhân có nhiệm vụ chuyển giao kỹ thuật cho 48 BVVT (các chuyên khoa- tim mạch, ngoại chấn thương, ung bướu, sản, nhi). Không chỉ đào tạo, “cầm tay chỉ việc” các kỹ thuật khó mà BV hạt nhân còn hỗ trợ BVVT ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, hội chẩn, khám chữa bệnh từ xa…
GS Phạm Minh Thông – Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, 8 BVVT của Bạch Mai đã thực hiện tốt các kỹ thuật khó được BV Bạch Mai chuyển giao. Ngoài ra, BV Bạch Mai còn có 5 BVVT tim mạch và 5 BVVT ung bướu. Sau 7 năm triển khai, BV Bạch Mai đã tổ chức 450 khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho gần 25.000 lượt học viên với 252 kỹ thuật thiết yếu và chuyên sâu. Kết quả đáng ghi nhận nhất là đã giảm 1,5 lần số lượng bệnh nhân tử vong ở các địa phương có BVVT.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Nguyễn Quốc Anh – Giám đốc BV Bạch Mai, vấn đề nan giải nhất là hầu hết các BVVT đều thiếu nhân lực, đặc biệt là các bác sĩ giỏi ở các chuyên ngành. Do đó, một số BV được chuyển giao kỹ thuật nhưng không có người thực hiện hoặc chưa dám thực hiện. Còn tại các BVVT làm tốt thì ngay sau khi được chuyển giao kỹ thuật thành công đã quá tải bệnh nhân, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị lại đầu tư không kịp. “Đề án chỉ tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý cho cán bộ nhưng phần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị lại không thuộc phạm vi đề án. Trong khi đó, đối với các kỹ thuật cao, nếu chỉ có bác sĩ giỏi mà không có máy móc tốt thì các BV cũng bó tay” - TS Quốc Anh khẳng định.
Cần kiểm tra, đánh giá nhân lực “Sau khi thực hiện được các kỹ thuật khó thì 48 BVVT cần đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá cho người dân trong tỉnh được biết để đến khám và điều trị, giảm tải cho tuyến trên và cũng giảm tiền đi lại cho người bệnh” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo. Tuấn Kiệt |