Dân Việt

Thọ Xuân (Thanh Hóa): Thêm cây trồng mới nhờ NTM

Hoài Thu 17/04/2015 11:33 GMT+7
Xác định lấy phát triển sản xuất là trọng tâm, trong 4 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) đã xây dựng, tổ chức được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả.

Cũng nhờ có NTM, đã có thêm nhiều cây trồng mới được đưa vào sản xuất.

Xuất hiện hàng loạt mô hình sản xuất

img
Ớt xuất khẩu là một trong những cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Thọ Xuân (Thanh Hóa).   H.T

Nói về kinh nghiệm của địa phương trong xây dựng NTM, ông Lê Huy Hoàng – Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), cho biết: “Năm 2014, cùng với nguồn vốn của tỉnh, toàn huyện đã đầu tư 5,4 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề chăn nuôi. Nhiều mô hình cơ giới hóa đồng bộ, trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả”. Có thể kể đến các mô hình như: Mô hình trồng hoa xã Bắc Lương, Xuân Trường (thu nhập trên 300 triệu/ha); mô hình trồng ớt xuất khẩu Thọ Trường, Xuân Hòa… (thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha); mô hình trồng chuối tiêu hồng đạt 200-250 triệu đồng/ha…

 

“Chỉ riêng cây ngô, hàng năm toàn huyện có gần 5.000ha với 70 tấn giống được gieo trồng trên cả 3 vụ: Đông – thu – xuân. Huyện xác định, đây không phải là danh hiệu mà là một chương trình mục tiêu lâu dài của nhân dân. Vì vậy, để thành công phải bắt đầu tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị/ha canh tác cũng như thu nhập cho người dân...”- ông Hoàng nói.

Ông Bùi Ngọc Thụ - Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (huyện Thọ Xuân)- nơi điển hình về phát triển sản xuất cho biết: “Hiện toàn xã có 12ha ớt xuất khẩu, đây là một trong những loại cây chủ lực đem lại giá trị kinh tế cao. Nhưng khó khăn lắm chúng tôi mới có thể đưa được loại cây trồng này đến với bà con nhân dân”.

Chị Đinh Thị Sửu – thôn Hạ Long, xã Xuân Hòa chia sẻ: “So với cây lúa, cây ớt mang lại giá trị kinh tế cao gấp 3 lần cây lúa, trừ các loại chi phí, chúng tôi cũng thu về trên 10 triệu đồng/sào. Lúc đầu, bà con chúng tôi ai ai cũng sợ, bởi chưa biết trồng xong rồi sẽ thế nào. Nhưng nhờ sự hướng dẫn tận tình, cũng như những “cam kết”, động viên của cán bộ địa phương nên bà con chúng tôi mới dám “mạo hiểm” đấy”.

Coi trọng ý dân

Quan điểm

Ông Lê Huy Hoàng - Phó Chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân
  Tới đây, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã củng cố, hoàn thiện các tiêu chí đã đạt được, đăng ký thực hiện các tiêu chí, phấn đấu mỗi xã tăng 2 - 3 tiêu chí/năm (xã điểm tăng từ 3 - 4 tiêu chí). Chúng tôi sẽ có chính sách trỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống, mô hình sản xuất hàng hóa tập trung; chuyển giao các tiến bộ KHCN công nghệ mới vào sản xuất 
Theo ông Lê Huy Hoàng, tính đến 31.12.2014, tính tổng tiêu chí của các xã, toàn huyện Thọ Xuân đã đạt 506 tiêu chí, bình quân đạt 13,67 tiêu chí/xã. Hiện nay, có 5 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí như: Xuân Giang, Hạnh Phúc, Thọ Xương; Xuân Thành, Xuân Quang. Mục tiêu của huyện là trong năm 2015, toàn huyện phấn đấu có 12 xã cán đích NTM; đến năm 2020, phấn đấu thêm 18 xã đạt 19/19 tiêu chí, số còn lại đạt từ 15 tiêu chí trở lên.

 

Nói về kinh nghiệm xây dựng NTM, ông Hà Đình Thuần – Chủ tịch UBND xã Xuân Thành chia sẻ: “Khi xây dựng NTM, chúng tôi xác định phương châm là: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp và dân hưởng lợi, nên mọi việc làm đều được người dân thống nhất trước khi triển khai, vì thế quá trình xây dựng NTM của xã khá thuận lợi”.

Ông Lê Xuân Mạnh – thôn 3, xã Xuân Thành nói: “Từ ngày có NTM, nhiều mô hình, cây trồng mới được đưa vào sản xuất, đời sống của bà con chúng tôi được nâng lên rõ rệt. Từ đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp, giờ đây có thể đi xe máy ra tận ngoài bờ ruộng rồi”.