Dân Việt

Không còn lo phân bón, cây giống giả

San Nguyễn 18/04/2015 09:50 GMT+7
Trong khi ở những địa phương khác, tới mỗi mùa vụ, người dân luôn lo lắng mua phải cây giống giả, kém chất lượng, đang bán tràn lan ở khắp mọi nơi thì ở xã miền núi Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai), vấn đề này đã được giải quyết.

Ông Tráng Seo Tú – Bí thư Chi bộ thôn Lao Chải (xã Quan Thần Sán, huyện Si Ma Cai (Lào Cai) cho biết: “Mấy năm gần đây, người dân chúng tôi không còn lo lắng mua phải cây giống, phân bón giả, vì đã có chính quyền xã kết nối, cam kết đảm bảo về mặt chất lượng, cũng không lo hết hàng, đội giá”.

img
Nhiều năm nay, người dân ở xã Quan Thần Sán được mùa vì không còn phải lo chất lượng hạt giống, phân bón. Ảnh: San Nguyễn.
Theo ông Vũ Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND xã Quan Thần Sán, thì nhiều năm trước đây, người dân trong xã hay gặp phải tình trạng mua phải hạt giống, phân bón kém chất lượng khi mua hàng của các tư thương, nhiều lúc còn bị đẩy giá lên cao do nguồn hàng khan hiếm. Người dân trong xã chủ yếu là đồng bào Mông, lại chỉ biết làm nông nghiệp, nếu mua phải hạt giống kém chất lượng coi như bà con bị mất trắng, đói nghèo lại bủa vây. Nhận thấy nhu cầu của bà con trước mỗi mùa vụ, chính quyền xã đã cử cán bộ khuyến nông phát phiếu về tới từng thôn. Người dân đăng ký theo nhu cầu của gia đình mình. Từ đó xã sẽ hợp đồng với công ty giống cây trồng cung ứng cho người dân. Công ty sẽ cử người giao hàng và trực tiếp thu tiền của người dân.

 

Anh Tráng Seo Páo A, người dân thôn Lao Chải kể: “Mấy năm trước, gia đình tôi mua lúa giống ở ngoài chợ về gieo. Chờ mãi mạ không lên, phải đi mua giống khác về gieo nhưng lại qua mất mùa vụ, nên ảnh hưởng nhiều đến năng suất, không thu được bao nhiêu. Giờ có xã lo giúp, đảm bảo đầu vào rồi nên mình rất yên tâm”.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân, để chủ động đầu vào, góp phần ổn định thị trường, đồng thời cũng đảm bảo được chất lượng sản phẩm nên xã đứng ra ký hợp đồng mua giống, phân bón cho bà con. “Nếu chất lượng hạt giống, phân bón có vấn đề gì, xã có thể trực tiếp liên hệ với nhà cung ứng để đền bù cho người dân, không để bà con thiệt thòi. Qua mấy năm triển khai, bà con trong thôn, xã đều rất đồng thuận và hưởng ứng cách làm như vậy” – anh Sơn khẳng định.