Ở tuổi ngoại 70, nhà soạn nhạc cho ra cuốn sách đầu tay, tên Sống lửa (NXB Hội Nhà văn - 2015) với lối viết phóng túng, giàu chất thơ và nhạc. Ông cho những nhân vật cổ xưa dùng ngôn từ hiện đại.
“Mầm non” văn học Nguyễn Thiện Đạo
Ông cũng sử dụng cách kể ngoài chuyện để đưa những bình luận của chính mình về diễn biến, nhân vật. Có những đoạn văn cấu trúc đối xứng như hai đoạn nhạc có biến tấu. Nguyễn Thiện Đạo cũng chịu khó “chơi” với từ ngữ. Nhạc sĩ viết về một nhân vật nữ: “Có làn da thơm mới, hơi thở nhẹ hồng mới, tiếng nói trong thỏ thẻ mới, Chí Bằng quên hết”.
Gần 140 trang sách bao quát mấy đời của một dòng họ xuất xứ Chiêm Thành từ thời Huyền Trân công chúa. Đoạn kết của sách, cháu mấy đời của một vị kiến trúc sư Chiêm Thành trở thành một cây bút cách tân của thời Thơ Mới khiến chính quyền thực dân e ngại.
Nhà thơ sống ở phố Tràng Tiền, cũng là nơi gia đình Nguyễn Thiện Đạo sinh sống. Cuối sách, khi nhà thơ bị mật thám bắt, tác giả cho nhân vật nói với vợ: “Nhà thơ Đức Heinrich Heine có câu “Khi ngôn từ ngưng, âm nhạc bắt đầu”. Em đang nuôi âm nhạc đấy.” Trên thực tế, bố ông muốn ông sang Pháp học để thành bác sĩ và ông đã trái lời cha.
Ánh sáng và đau thương
“Văn học của ta xưa nay vẫn còn hơi khuôn mẫu. Quan tâm rất nhiều đến đạo đức cũng có cái hay nhưng phần nào hơi hạn chế sáng tạo điên cuồng muốn đột phá. Khi mình ở trong khuôn, rất khó ra khỏi khuôn… Phần nào mình cứ tìm cái đúng. Thật ra mình phải tìm cái hay. Nếu nó hay thì có thể tạm gọi là đúng. Khi mình cứ đóng khuôn vào cái phải cho đúng, mình tự hạn chế, gò bó mình”.
Nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo
Sống lửa mang lối viết hiện thực, sử thi thỉnh thoảng đan xen huyền thoại. Trong không gian của truyện, dường như người sống lẫn cùng thần Phật, quỷ ma… Nguyễn Thiện Đạo không thích kiểu xây dựng nhân vật một chiều. Ông nói: “Sợ nhất nhân vật hoặc phải là chính diện hoặc phải là phản diện. Cuộc đời đâu như thế, mỗi chúng ta đều có mặt hay, mặt không hay”.
Những nhân vật trong Sống lửa có thể vừa tốt vừa xấu nhưng đều có điểm chung là giàu khát vọng (gồm cả dục vọng) và thường là về sau đều chuyển biến theo chiều Ánh sáng. Ánh sáng và Đau thương là hai khía cạnh mà các nhân vật tâm đắc của ông phải trải qua. “Ba nhân vật chính trong Sống lửa phần nào có dáng dấp cá nhân mình”, ông cho hay. “Dù cuộc đời riêng của mình hơi tẻ nhạt so với các nhân vật trong này”.
Ông chia sẻ, chính vì tìm tòi mãi không ra cách nào để viết hồi ký cho hay nên đã viết Sống lửa. Tuy nhiên, mới đây đã có người giúp nhạc sĩ viết hồi ký âm nhạc. Cuốn Nguyen Thien Dao, une voie de la musique contemporaine Orient-Occident (Nguyễn Thiện Đạo- một giọng nhạc đương đại Đông-Tây) của Isabelle Masssé - Tiến sĩ Âm nhạc học ĐH Sorbone phát hành tại Pháp cuối tháng 3. Sách nằm trong bộ Collection Les Matres de musique (Những bậc thầy âm nhạc) nói về các nhà soạn nhạc nổi bật từ cổ chí kim.
Đã chuẩn bị tinh thần Sống lửa có thể không được xuất bản ở Việt Nam nên Nguyễn Thiện Đạo “mừng ghê gớm” khi sách ra lò chỉ bị cắt tổng cộng khoảng 2 trang. Trong đó có vài dòng mô tả tướng giặc Nùng uống/tắm máu phụ nữ, vài dòng khác đá đưa về tình hình phụ nữ bị bắt làm nô lệ xưa và nay… Sống lửa đang được cho dịch để xuất bản tại Pháp.
“Cuốn này phải viết bằng tiếng Việt…Nó là trong huyết tủy của mình”, Nguyễn Thiện Đạo nói. Nhà soạn nhạc cũng hé lộ dự định viết một cuốn dạng tiểu luận bằng tiếng Pháp.