Dân Việt

Đối phó tình trạng hải tặc tấn công ngư dân

30/05/2011 14:04 GMT+7
(Dân Việt) - Ông Trần Cao Mưu - Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam trả lời phỏng vấn NTNN sau hàng loạt trường hợp ngư dân Việt Nam bị hải tặc tấn công khi đang hợp tác khai thác hải sản trên vùng biển nước bạn.

Thời gian gần đây ngư dân Việt Nam đang gặp khó khăn khi hợp tác khai thác hải sản ở vùng biển Malaysia, cụ thể là liên tục bị hải tặc tấn công, về vấn đề này ông có đánh giá gì?

- Phải nói rằng thời gian qua ngư dân chúng ta đang gặp liên tiếp những trở ngại cho công việc khai thác hải sản, từ việc Trung Quốc đưa ra cái lệnh cấm đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa rồi giờ lại đến hải tặc tấn công tàu cá ở ngư trường Malaysia...

img
Tàu cá Quảng Ngãi trên đường ra khơi.

Tất cả những việc không hay đó đang cản trở hoạt động đánh bắt hải sản của ngư dân Việt Nam. Về việc đánh bắt ở ngư trường Malaysia chúng ta cũng chỉ mới hợp tác với họ trong một thời gian ngắn và đang gặp nhiều vấn đề, gặp nhiều trở ngại.

Khi hai bên đã đặt ra vấn đề hợp tác khai thác trên biển, phía đối tác phải đảm bảo an ninh trên biển, nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản cho ngư dân Việt Nam chứ?

- Chắc chắn là như vậy, tuy nhiên họ chưa làm tốt vấn đề này, và thực tế đã cho thấy điều đó. Gần đây có khá nhiều vụ hải tặc tấn công tàu cá của Việt Nam trên ngư trường nước bạn.

Phía Việt Nam sau những vụ việc này cần có những động tác và giải pháp như thế nào, thưa ông?

- Thực tế sau những vụ việc này, chúng ta luôn có những phản ứng kịp thời và đúng mực bằng nhiều hình thức. Qua con đường ngoại giao chúng ta gửi công văn cũng như kịp thời trao đổi với Đại sứ quán Indonesia, Malaysia. Đối với Nhà nước Việt Nam, nhiều bộ ngành liên quan như Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ NNPTNT, Bộ Quốc phòng... bằng con đường ngoại giao để can thiệp và dàn xếp ổn thoả sự việc.

"Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng Quảng Ngãi thì từ năm 2006, đến nay, đã phát hiện ít nhất 30 trường hợp tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải, vào đánh bắt tại khu vực biển cách đảo Lý Sơn từ 5-40 hải lý. Gần nhất là vào ngày 4.3.2011, Đồn biên phòng 328-Lý Sơn phát hiện 12 tàu cá Trung Quốc hoạt động cách đảo Lý Sơn khoảng 40 hải lý về hướng đông bắc.

Ông có đánh giá gì về chủ trương khuyến khích hợp tác đánh bắt khai thác hải sản với các nước bạn?

- Chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn, trong bối cảnh nguồn lợi của vùng biển nước ta đang ngày càng cạn kiệt trong lúc nước bạn thì dồi dào mà năng lực khai thác lại hạn chế. Việc hợp tác để đôi bên cùng có lợi là chuyện nên làm chứ.

Tuy nhiên sau một thời gian hợp tác đánh bắt đã bộc lộ một số vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam. Chắc chắn cả 2 phía sẽ phải ngồi lại cùng đưa ra những giải pháp tốt nhất cho việc hợp tác này.

Việc hợp tác khai thác hải sản với các nước bạn đến thời điểm này theo đánh giá của ông là như thế nào?

- Có thể nói việc hợp tác này đang vận hành chưa được ăn khớp lắm, trong đó có việc bạn chưa làm chặt vấn đề an ninh trên biển: Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, ngư dân mình về nâng trình độ, giác ngộ nhận thức chưa cao, cũng có nhiều trường hợp làm sai.

Cụ thể như ở Indonesia, ngư dân mình khi mới đầu hợp tác thì hăng hái, được một thời gian thì bỏ về, hay như vấn đề tăng cường thông tin, thực hiện đúng luật pháp nước bạn thì ngư dân mình cũng làm chưa tốt. Hai nữa là chấp hành nghiêm túc khai thác nguồn lợi và tái tạo nguồn lợi thuỷ sản, đừng để xảy ra hiện tượng phá hoại nguồn lợi, khai thác ở những vùng cấm...

Vậy theo ông ngư dân mình cần phải trang bị gì khi ra nước ngoài đánh bắt?

- Đối với chúng ta, để ngư dân có thể đánh bắt ở nước bạn, sang bên nước bạn khai thác một cách hiệu quả, an toàn nhất cần phải tuân thủ luật pháp của nước bạn, tuân thủ những điều khoản đã ký kết trong hợp đồng. Bên cạnh đó ngư dân phải trang bị đầy đủ những thiết bị cần thiết để liên lạc, để định vị vùng biển nào mình được khai thác, không được khai thác.

Ngư dân phải tuân thủ triệt để luật pháp của nước bạn tránh những sai sót, vi phạm không đáng có xảy ra. Và một điều nữa rất quan trọng phải nói đi nói lại là ngư dân nhất thiết, bức thiết thành lập tổ đội để đánh bắt, điều đó giảm được chi phí, có thể hỗ trợ nhau trên biển, hạn chế những rủi ro...

Giải pháp, chính sách hỗ trợ ngư dân hiện nay của Nhà nước, theo ông đã đủ giúp cho ngư dân bám biển?

- Nhìn chung đến thời điểm này, các chính sách mà Nhà nước đưa ra đang phát huy hiệu quả. Cụ thể như chính sách khuyến khích đánh bắt xa bờ, tạo ra được làn sóng đánh bắt xa khơi. Theo đó là Quyết định 393 Nhà nước hỗ trợ 1.300 tỷ đồng cho việc đóng tàu đánh bắt xa bờ. Rồi Quyết định 289 cũng tạo được nhiều thuận lợi cho ngư dân, chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân với tổng kinh phí hơn 1.600 tỷ đồng...

Những chính sách trên mặc dù chỉ hỗ trợ được một phần chi phí cho ngư dân, nhưng nhờ đó ngư dân đã phấn khởi và tiếp tục đi biển. Hoạt động khai thác hải sản từng bước được khôi phục, đời sống cư dân ven biển được cải thiện, tuy vẫn còn nhiều khó khăn. Bộ NNPTNT, Hội Nghề cá, cũng như các ban ngành liên quan đang hết sức nỗ lực để là điểm tựa vững chắc để ngư dân yên tâm ra khơi.

Xin cảm ơn ông!

" Chúng tôi đã chỉ đạo cho các bộ phận trực thuộc phối hợp với cơ quan chức năng huyện, tỉnh khuyến khích ngư dân nên liên kết tạo thành các tổ nhóm; thường xuyên liên lạc với nhau trong quá trình ra khơi đánh bắt để kịp thời hỗ trợ nhau khi xảy ra sự cố. Đối với những trường hợp sang đánh bắt ở nước ngoài, thì khi nghỉ ngơi các tàu nên cùng neo đậu lại một chỗ để tránh bị tấn công. Mặt khác trước khi ký hợp đồng sang khai thác ở vùng biển nước bạn, ngư dân cần tìm hiểu kỹ ngư trường và luật pháp nước bạn, tránh những thiệt hại ngoài ý muốn như 2 trường hợp tàu cá đang bị "kẹt" tại Indonesia." - Ông Phùng Đình Toàn (Phó Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi Thuỷ sản, Sở NNPTNT Quảng Ngãi)

" Bộ đã có kế hoạch đàm phán với các nước như Myanmar, Brunei, Campuchia, Nam Phi, Ấn Độ... về hợp tác nghề cá; tiếp tục đàm phán với Malaysia và Indonesia... để tạo điều kiện cho ngư dân khai thác hợp pháp. Không chỉ hợp tác với các nước trong khu vực, tới đây chúng tôi muốn đàm phán với các tổ chức quản lý về nguồn lợi của khu vực và quốc tế. Mỗi khu vực đều có tổ chức quản lý về nguồn lợi. Anh muốn đánh bắt tại vùng biển chung của khu vực và quốc tế thì phải được phép, là thành viên của các tổ chức này. Khi đó họ mới cấp "quota" cho tàu của mình ra vùng biển quốc tế để khai thác."  - Ông Chu Tiến Vĩnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NNTPTN)